9 thông tin tối thiểu để hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt CPTPP
Quy định 9 thông tin tối thiểu phải có để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong CPTPP sẽ được áp dụng từ 21/10/2019.
Thông tư số 62 vừa được Bộ Tài chính ban hành đã bổ sung thêm chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP phải có đủ 9 thông tin tối thiểu.
Theo đó, 9 thông tin tối thiểu này bao gồm:
Thứ nhất, các loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải nêu rõ người chứng nhận là người xuất khẩu hay người sản xuất.
Thứ hai, chứng từ phải có tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận;
Thứ ba, phải có tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người xuất khẩu nếu người xuất khẩu không phải người chứng nhận.
Thông tin này sẽ không bắt buộc nếu người sản xuất cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và không biết thông tin người xuất khẩu.
Địa chỉ của người xuất khẩu là nơi xuất khẩu hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP.
Thứ tư, phải có tên, địa chỉ (bao gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người sản xuất nếu người sản xuất không phải người chứng nhận hay người xuất khẩu hoặc nếu có nhiều hơn một người sản xuất thì ghi "Various" ("Nhiều người sản xuất") hoặc cung cấp một danh sách người sản xuất.
Nếu thông tin cần phải giữ bí mật có thể ghi "Available upon request by the importing authorities" ("Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu").
Địa chỉ của người sản xuất là nơi sản xuất của hàng hóa thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;
Thứ năm, tên, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại của người nhập khẩu (nếu có thông tin về người nhập khẩu). Địa chỉ của người nhập khẩu phải thuộc nước thành viên Hiệp định CPTPP;
Thứ sáu, mô tả và mã số HS của hàng hóa. Ghi rõ mô tả hàng hóa và mã số HS ở cấp độ 6 chữ số của hàng hóa: Mô tả phải phù hợp với hàng hóa được chứng nhận xuất xứ. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sử dụng cho một lô hàng nhập khẩu thì phải nêu rõ số hóa đơn liên quan đến việc xuất khẩu (nếu biết);
Thứ bảy, đối với tiêu chí xuất xứ phải nêu cụ thể tiêu chí xuất xứ mà hàng hóa đáp ứng.
Thứ tám, thông tin về thời hạn. Trong trường hợp sử dụng một chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nhiều lô hàng giống hệt thì trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thể hiện thời gian áp dụng nhưng không quá 12 tháng.
Cuối cùng là thông tin ngày tháng năm và chữ ký được ủy quyền.
Theo đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được người chứng nhận ký, ghi ngày tháng năm và kèm theo xác nhận: Tôi xác nhận rằng hàng hóa được mô tả trong tài liệu này thỏa mãn điều kiện có xuất xứ và các thông tin có trong tài liệu này là chính xác và đúng sự thật. Tôi chịu trách nhiệm chứng minh khai báo này và đồng ý lưu trữ, xuất trình các tài liệu chứng minh cho việc chứng nhận này theo yêu cầu hoặc trong quá trình xác minh tại trụ sở.
Bên cạnh đó, Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được cấp ở dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử.
Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không sử dụng tiếng Anh, người khai hải quan phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.
Ngoài ra, theo Thông tư số 62, trường hợp một nước thành viên Hiệp định CPTPP thông báo chỉ áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt tự chứng nhận xuất xứ, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin thông báo của nước thành viên xuất khẩu, thì Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng các hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ nêu trên, danh sách cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu, danh sách người xuất khẩu, người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Mặt khác, cơ quan hải quan cũng chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp hoá đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên.
Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải phát hành tách biệt với hóa đơn thương mại đó.
Một nội dung đáng chú ý là, cơ quan hải quan sẽ từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số trường hợp.
Chẳng hạn, khi xác định hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện để áp dụng ưu đãi thuế quan theo quy định; khi tiến hành xác minh mà không nhận được đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa có xuất xứ theo quy định.
Hoặc ngành hải quan sẽ từ chối chứng từ chứng nhận đã quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi yêu cầu xác minh nhưng người xuất khẩu hoặc người sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không trả lời đề nghị xác minh hoặc không cung cấp thông tin xác minh theo quy định…
Thông tư 62 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2019.