08:08 28/04/2025

Ẩm thực thăng hoa từ văn hóa địa phương

Minh Anh

Trong bối cảnh ngành ẩm thực - dịch vụ ăn uống (F&B) đang đối mặt với nhiều biến chuyển về thị hiếu và mô hình phát triển, việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là hướng đi độc đáo mà còn là chiến lược phát triển bền vững dài hạn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với chủ đề “Món ngon hội tụ”, lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025 đã giới thiệu hơn 200 món ăn từ đặc sản Đà Nẵng, hương vị ẩm thực vùng miền Việt Nam đến với tinh hoa ẩm thực quốc tế. Nhân dịp này, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp các đơn vị kinh doanh ẩm thực phát hành 5.000 hộ chiếu ẩm thực Đà Nẵng Food Tour với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. 

Nếu Giáng sinh năm 2024 được xem là mốc khởi đầu cho dự án hộ chiếu ẩm thực thì kỳ nghỉ lễ 30/4/2025 chính là cơ hội tiếp theo để chứng minh giá trị của ý tưởng này. Tháng 1/2025, cẩm nang Michelin đã xếp Đà Nẵng vào danh sách 10 điểm đến ẩm thực thú vị nhất thế giới để khám phá trong năm nay.

NHỮNG GIÁ TRỊ CỘNG HƯỞNG

Trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực TP. Đà Nẵng, đã chia sẻ về các trụ cột để xây dựng mô hình F&B dựa trên văn hóa, những rào cản thực tế và tầm quan trọng của việc kết nối các tác nhân trong chuỗi giá trị ẩm thực địa phương nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thưa ông, những yếu tố nào tạo nên một mô hình F&B bền vững trong thời đại toàn cầu hóa?

Một mô hình F&B phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng văn hóa truyền thống, đồng thời hội tụ nhiều yếu tố từ tư duy chiến lược dài hạn đến cách thức vận hành cụ thể. Yếu tố đầu tiên là định vị giá trị phát triển dựa trên bản sắc văn hóa địa phương, xem đó như cốt lõi tinh thần. Từ đây, doanh nghiệp có thể xây dựng các câu chuyện giàu cảm xúc gắn liền với lịch sử, con người bản địa và tìm ra cách thức truyền tải trải nghiệm văn hóa một cách sống động đến khách hàng.

Yếu tố tiếp theo là hình thành chuỗi cung ứng sử dụng nguyên liệu địa phương, ưu tiên sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường, đồng thời đảm bảo truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Song hành với đó là tư duy liên kết – hợp tác giữa khu vực công và tư nhằm phát triển cộng đồng F&B tại chỗ.

Cần huy động sức mạnh của nghệ nhân, nông dân, đầu bếp và doanh nhân để lan tỏa tinh hoa truyền thống, gìn giữ nghề cổ truyền. Từ đó từng bước hình thành hệ sinh thái F&B gắn kết chặt chẽ với du lịch, văn hóa và làng nghề, tạo nên những giá trị cộng hưởng bền vững.

Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực TP. Đà Nẵng.
Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực TP. Đà Nẵng.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống trong ngành F&B mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp và cộng đồng, thưa ông?

Đối với doanh nghiệp, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống giúp tạo nên định vị khác biệt, khó sao chép, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Thương hiệu gắn với văn hóa thường dễ tạo thiện cảm, xây dựng lòng tin và sự trung thành nơi khách hàng.

Đồng thời, việc lồng ghép trải nghiệm văn hóa mang đến cho khách hàng, đặc biệt là khách du lịch, hành trình khám phá hấp dẫn, vượt xa nhu cầu ăn uống đơn thuần. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng khi du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ở cấp độ quốc gia, mỗi doanh nghiệp F&B gắn với văn hóa có thể trở thành đại diện hình ảnh, góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm và thu hút đầu tư. Với cộng đồng, mô hình này giúp bảo tồn di sản bản địa, tạo sinh kế bền vững cho người dân và thúc đẩy sự phát triển của làng nghề, vùng nguyên liệu cũng như chuỗi giá trị nông sản truyền thống.

Ông nhận định như thế nào về vai trò của người nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, doanh nghiệp F&B và người tiêu dùng trong chuỗi giá trị ẩm thực bền vững?

Người nông dân là mắt xích khởi đầu trong chuỗi giá trị, giữ trọng trách cung ứng nguyên liệu sạch, an toàn và chất lượng cao. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò gìn giữ và bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi truyền thống - những yếu tố quan trọng để kể nên câu chuyện văn hóa bản địa. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, người nông dân cần áp dụng phương pháp canh tác không hóa chất, đảm bảo vệ sinh và thân thiện với môi trường.

Ở khâu sản xuất, các doanh nghiệp thực phẩm cần tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, ứng dụng công nghệ để giữ trọn vẹn hương vị và giá trị dinh dưỡng, đồng thời duy trì tính minh bạch trong toàn bộ quy trình. Doanh nghiệp F&B đóng vai trò là “người chuyển hóa” nguyên liệu thành những trải nghiệm ẩm thực giàu cảm xúc, vừa mang tính nghệ thuật, vừa là phương tiện truyền tải và giáo dục văn hóa đến với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng, tuy là mắt xích cuối cùng nhưng lại có vai trò quyết định trong chuỗi giá trị. Việc tiêu dùng một cách có ý thức, ưu tiên sản phẩm địa phương, thân thiện với môi trường, cùng những phản hồi trung thực sẽ góp phần hoàn thiện sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn ngành...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4 - 11/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ẩm thực thăng hoa từ văn hóa địa phương - Ảnh 1