10:19 10/12/2021

Amazon bị phạt gần 1,3 tỷ USD vì độc quyền

Đức Anh

Nhà chức trách Italy phạt Amazon 1,13 tỷ Euro (tương đương 1,28 tỷ USD) do lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường thương mại điện tử...

Ngoài Italy, Amazon cũng đang đối mặt với 2 cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu - Ảnh: Getty Images
Ngoài Italy, Amazon cũng đang đối mặt với 2 cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu - Ảnh: Getty Images

Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Italy (AGCM) ngày 9/12 đã ra quyết định phạt "đế chế" bán lẻ trực tuyến Mỹ 1,13 tỷ Euro (tương đương 1,28 tỷ USD) do lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường thương mại điện tử Italy.

AGCM cho biết hành vi của Amazon gây hại cho đối thủ cạnh tranh trong dịch vụ hậu cần thương mại điện tử. Cơ quan này kết luận rằng công ty Mỹ đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình để khuyến khích các nhà cung cấp trên trang Amazon.it sử dụng dịch vụ hậu cần của hãng - Fulfilment by Amazon (FBA).

Cụ thể, AGCM nói rằng Amazon đã gắn việc sử dụng FBA với một loạt quyền lợi độc quyền, trong đó có dịch vụ Prime, giúp tăng khả năng hiển thị và thúc đẩy doanh số bán hàng của các nhà cung cấp trên Amazon.it.

"Amazon không cho nhà cung cấp của bên thứ ba gắn nhãn Prime cho những sản phẩm không dùng dịch vụ hậu cần FBA", cơ quan này cho biết.

Amazon Prime là dịch vụ dành cho hơn 7 triệu khách hàng trung thành và có chi tiêu cao nhất trên Amazon. Việc được gắn nhãn Prime giúp sản phẩm của nhà cung cấp bán chạy hơn.

“Hành vi này (của Amazon) đã tổn hại đến dịch vụ hậu cần của các nhà khai thác đối thủ khác, đồng thời được thực hiện nhằm củng cố vị thế thống trị của Amazon”, AGCM cho biết và khẳng định sẽ tiến hành các bước buộc Amazon phải khắc phục hậu quả.

Phản ứng trước quyết định này, Amazon cho biết “kịch lịch phản đối” khoản phạt và sẽ kháng cáo.

“Khoản tiền phạt và các biện pháp khắc phục được đề xuất là không hợp lý và không phù hợp”, người phát ngôn của Amazon nói với CNBC.

Amazon cho biết hơn 50% doanh thu năm trên nền tảng của công ty tại Italy đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nhấn mạnh thành công của các công này là chìa khóa cho mô hình kinh doanh của Amazon.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều kênh để bán hàng cả trực tuyến và trực tiếp. Amazon chỉ là một trong các lựa chọn đó”, người phát ngôn của Amazon nêu rõ. “Chúng tôi liên tục đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của 18.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng trên Amazon, và chúng tôi cung cấp cho họ nhiều công cụ khác nhau, gồm cả những doanh nghiệp tự quản lý hoạt động giao vận của mình”.

Nhận định về quyết định trên của nhà chức trách Italy, Ruhell Amin, giám đốc nghiên cứu chứng khoán bán lẻ toàn cầu tại William O’Neil + Co, cho rằng đó là một khoản phạt lớn đối với Amazon.

“Quyết định này nằm trong xu hướng lớn hơn mà chúng ta đang chứng kiến tại châu Âu, trong đó các nhà chức trách cố gắng siết quản lý với những hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech)”, ông Amin nhận xét.

Theo ông, điều nhà đầu tư quan tâm là liệu khoản phạt trên có phải là dấu hiệu cho xu hướng siết quản lý quyết liệt hơn nhắm vào Amazon trong các mảng kinh doanh khác cũng như các thị trường khác của công ty này trên thế giới hay không.

Amazon kịch liệt phản đối khoản phạt của nhà chức trách Italy - Ảnh: AP
Amazon kịch liệt phản đối khoản phạt của nhà chức trách Italy - Ảnh: AP

“Đây chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, chuyên gia này nhận định. “Vụ việc này khá thú vị vì Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra riêng về vấn đề này nhưng lại loại Italy ra khỏi phạm vi điều tra để cho phép cơ quan giám sát chống độc quyền của nước này tự tiến hành điều tra. Ủy ban châu Âu thường khá thống nhất trong cách tiếp cận của mình”.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng đang tiến hành hai cuộc điều tra riêng liên quan tới hoạt động kinh doanh của Amazon. Cuộc điều tra đầu tiên được bắt đầu vào tháng 7/2019 để xem xét liệu Amazon có sử dụng các dữ liệu nhạy cảm từ các nhà bán hàng độc lập trên nền tảng của công ty hay không. Hành vi này, nếu có, vi phạm quy định cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc điều tra thứ hai, khởi động vào cuối năm 2020, tập trung vào xem xét liệu Amazon có ưu ái các sản phẩm của chính mình và sản phẩm của các nhà cung cấp sử dụng dịch vụ hậu cần, vận chuyển của mình hay không.

Trong khi Amazon chịu sự giám sát ngày một nghiêm ngặt tại châu Âu, ở châu Á, hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba cũng đang bị nhà chức trách Trung Quốc siết quản lý. Còn ở Mỹ Latin, các nhà quản lý đang nhắm vào Mercado Libre – hãng thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực.