17:20 23/06/2021

Ấn Độ vượt 30 triệu ca nhiễm Covid-19, chuyên gia lo dỡ phong toả quá sớm

An Huy

Với số ca nhiễm mới giảm xuống trong những tuần gần đây, nhiều bang của Ấn Độ đã bắt đầu nới các hạn chế...

Người dân đợi tiêm vaccine Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 4/5 - Ảnh: Reuters.
Người dân đợi tiêm vaccine Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 4/5 - Ảnh: Reuters.

Ấn Độ đã ghi nhận hơn 30 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu mới nhất từ Chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này có 50.848 ca nhiễm mới được phát hiện trong ngày 22/6, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch lên 30,02 triệu ca. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ cùng ngày là 1.358 ca.

Mỹ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có tổng số ca nhiễm Covid-19 cao hơn Ấn Độ.

 
Giới chức chính phủ, các nhà dịch tế học và chuyên gia y tế khác dự báo rằng một làn sóng Covid thứ ba tất yếu sẽ xảy đến ở Ấn Độ. Trong đó có những dự báo cho rằng làn sóng đó sẽ xuất hiện vào tháng 10 năm nay.

Quốc gia Nam Á hiện vẫn đang ở trong làn sóng Covid thứ hai, dù số ca nhiễm đã giảm xuống. Trong làn sóng này, số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, khiến các bệnh viện oằn mình gánh số bệnh nhân kỷ lục và thiếu nghiêm trọng trang thiết bị, thuốc men và khí oxy y tế để phục vụ công tác điều trị.

Biến chủng Delta, loại được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, được xem là một nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân. Hiện Delta đã lan sang hơn 90 quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng này đang trở thành loại phổ biến nhất của Covid-19 trên toàn cầu.

Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành phong toả toàn quốc trong nhiều tháng. Lần này, Chính phủ Ấn Độ cho phép các bang và địa phương tự quyết định phong toả hay không dựa vào tình hình thực tế.

Giới chức chính phủ, các nhà dịch tế học và chuyên gia y tế khác dự báo rằng một làn sóng Covid thứ ba tất yếu sẽ xảy đến ở Ấn Độ. Trong đó có những dự báo cho rằng làn sóng đó sẽ xuất hiện vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát chuyên gia do hãng tin Reuters thực hiện nói rằng làn sóng thứ ba sẽ được kiểm soát tốt hơn làn sóng thứ hai.

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine vẫn là cách tốt nhất để Ấn Độ chống chọi với Covid, nhưng có nhiều ý kiến cảnh báo nước này không nên dỡ các hạn chế quá sớm.

Cho tới hiện tại, mới chỉ có chưa đến 5% tổng dân số Ấn Độ được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid và khoảng 16% được tiêm ít nhất 1 mũi. Chiến dịch tiêm chủng của nước này đang gặp nhiều thách thức do thiếu vaccine.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu tham vọng là đến tháng 12 năm nay sản xuất được hơn 2 tỷ liều vaccine Covid-19, đủ để tiêm cho phần lớn dân số. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc đạt mục tiêu về số lượng vaccine là chưa đủ. Họ nói rằng Ấn Độ cần thiết lập được cơ sở hạ tầng cần thiết ở các vùng nông thôn để phục vụ cho việc tiêm vaccine và thuyết phục người dân đi tiêm, đặc biệt là người dân nông thôn.

Hôm thứ Hai tuần này, Chính phủ Ấn Độ đã khởi động chiến dịch tiêm phòng Covid miễn phí cho tất cả người dân trưởng thành. Đã có 7,5 triệu mũi tiêm được thực hiện trong ngày đầu tiên của chiến dịch, một con số kỷ lục của Ấn Độ.

 
“Chúng tôi cho rằng chiến lược mở cửa trở lại này là không sáng suốt và có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh của số ca nhiễm. Khi đó, các hạn chế sẽ lại phải siết chặt”.
Chuyên gia Priyanka Kishore thuộc Oxford Economics

Với số ca nhiễm mới giảm xuống trong những tuần gần đây, nhiều bang của Ấn Độ đã bắt đầu nới các hạn chế, bao gồm lên kế hoạch nối lại việc dạy học trực tiếp tại các trường học. Một số nhà quan sát lo ngại rằng việc nới lỏng ngay lúc này có thể phản tác dụng.

“Tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp so với ngưỡng để được xem là an toàn để có thể nới mạnh các biện pháp giãn cách xã hội ở những bang đông dân và có tầm quan trọng về kinh tế”, chuyên gia Priyanka Kishore thuộc Oxford Economics nhận định.

Theo bà Kishore, các hạn chế một phần có thể được duy trì trong những tháng tới, nhưng sự mở cửa trở lại đã bắt đầu với tốc độ nhanh hơn dự báo. “Chúng tôi cho rằng chiến lược mở cửa trở lại này là không sáng suốt và có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh của số ca nhiễm. Khi đó, các hạn chế sẽ lại phải siết chặt”, bà cảnh báo.