09:53 20/11/2007

"ASEAN - Một thị trường đáng để chinh phục"

Thùy Trang

Với chủ đề trên, Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp tại khu vực ASEAN lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội

Việt Nam đang đại diện cho một nền kinh tế năng động và phát triển bền vững.
Việt Nam đang đại diện cho một nền kinh tế năng động và phát triển bền vững.
Với chủ đề trên, Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp tại khu vực ASEAN lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Hà Nội, trong hai ngày 22-23/11/2007.

Trên 200 chuyên gia và quản trị viên kinh tế đến từ Pháp và 10 nước ASEAN sẽ tham dự sự kiện này.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, lần đầu tiên 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp có cơ hội làm việc với các đối tác Việt Nam. Đây là sự kiện hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa Pháp và Việt Nam cũng như sự hợp tác đa phương với khu vực ASEAN.

ASEAN - thị trường đáng để chinh phục

Diễn đàn lần thứ 8 này sẽ tập trung thảo luận về những thành tựu phát triển cũng như sự năng động của khu vực ASEAN trong những năm gần đây và cũng sẽ thảo luận về những vấn đề cụ thể như các cơ hội phát triển, tiếp cận thị trường, các nguồn nhân lực, các mạng lưới phân phối và tiêu dùng và những vấn đề cần được cân nhắc để đầu tư thành công.

Đây là sự kiện được tổ chức hai năm một lần dưới sự bảo trợ của các cố vấn ngoại thương của Pháp và Medef International, cùng với Ubifrance, Bộ Ngoại giao và châu Âu và Bộ Kinh tế, Tài chính và Việc làm Pháp. Diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để các công ty đang muốn thiết lập và phát triển hoạt động của mình tại ASEAN có thể tạo dựng các mối liên hệ và mạng lưới cần thiết cũng như chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm của mình về các thị trường tại khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi họp báo ngày 19/11 do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức, ông Nicolas Adier - Chủ tịch Nhóm tư vấn ngoại thương Pháp tại Việt Nam, cho biết: Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: những xu hướng chính tại khu vực ASEAN; ASEAN và sự năng động của châu Á; những tác động và viễn cảnh cho các doanh nghiệp Pháp.

Ngoài ra, còn có 6 phiên thảo luận kỹ thuật với các chủ đề: đào tạo và các nguồn nhân lực; những lợi thế so sánh và xác định vị trí đầu tư; dự án qui mô lớn; mạng lưới và thông tin kinh tế tại châu Á; nghiên cứu và phát triển.

Theo ông Huber Colaris, Trưởng đại diện Kinh tế Pháp tại Việt Nam, đây là diễn đàn đa phương, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa Pháp với các nước ASEAN. Tuy nhiên, nhân dịp này, ông Herve Novelli – Quốc vụ khanh phụ trách doanh nghiệp và ngoại thương Pháp cũng sẽ thăm Việt Nam. Ông Herve Novelli sẽ có một số hoạt động song phương với Việt Nam như: gặp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thăm thành phố Đà Nẵng và dự lễ khai trương siêu thị Big C tại đây.

Giải thích lí do chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn ASEAN lần thứ 8, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Hervé Bolot, đã cho biết: hiện nay Việt Nam đang đại diện cho một nền kinh tế năng động và phát triển bền vững và là thị trường châu Á năng động nhất sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 8%. Hơn nữa, ở Việt Nam các doanh nghiệp Pháp đã có nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh và Thủ tướng Việt Nam sang thăm Pháp mới đây đã tạo đà cho phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.

Ông Huber Colaris bổ sung thêm: chính các doanh nghiệp Pháp hoạt động trong khu vực ASEAN đã đề nghị chọn Việt Nam để tổ chức diễn đàn ASEAN lần này vì họ nhận thấy những thay đổi lớn của Việt Nam trong 2 năm qua.

Doanh nghiệp Pháp quan tâm đến thị trường Việt Nam năng động

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, lần đầu tiên 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp, phần lớn trong số đó đang tìm hiểu thị trường Việt Nam, sẽ có mặt tại Hà Nội và gặp gỡ với gần 200 doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Huber Colaris cho biết bên cạnh việc Diễn đàn ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thì việc tổ chức cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ nhau cũng là điểm nhấn mới của diễn đàn. Trên thực tế, nhu cầu các doanh nghiệp Pháp mong muốn sang tìm hiểu thị trường Việt Nam rất lớn, phía Pháp đã phải từ chối 30 doanh nghiệp do khuôn khổ không cho phép.

50 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp sang Việt Nam lần này hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp dược phẩm, xây dựng, năng lượng, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, thực phẩm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, thiết bị công nghiệp... Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp này có điều kiện để khám phá, tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Ông Nicolas Adier nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các loại hình doanh nghiệp của Pháp đầu tư vào Việt Nam càng đa dạng càng tốt”. Ông cũng cho biết các doanh nghiệp Pháp đặc biệt quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng như dự án metro, thuỷ điện và điện lực. “Mong muốn của chúng tôi làm sao trong khu vực ASEAN có thể thực thi dự án lớn với sự phối hợp của nhiều đối tác khác nhau”, ông Nicolas Adier nói.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng khẳng định rằng chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp đã tạo đà phát triển mạnh cho các doanh nghiệp hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, một Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Việt đã được tổ chức với hơn 500 đại diện tham dự bao gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Tại đây, rất nhiều ý kiến yêu cầu đề xuất là làm sao tạo điều kiện hơn nữa cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Và cuộc gặp gỡ doanh nghiệp lần này cũng chính để đáp ứng nguyện vọng thiết thực đó của doanh nghiệp hai nước.

Mặc dù quan hệ hai nước đang phát triển bền vững và tốt đẹp song việc xuất khẩu các sản phẩm của Pháp sang Việt Nam chưa đạt được mức tăng trưởng tương xứng với quan hệ hai nước. Ngược lại, có những lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp rất tốt tuy nhiên cũng cần thúc đẩy quan hệ đó ngày càng phát triển hơn nữa. Chính vì vậy, cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hai nước lần này sẽ là một cơ hội đặc biệt cho phép các doanh nghiệp Pháp cũng như Việt Nam được gặp gỡ, thiết lập mối quan hệ đối tác cũng như các thoả thuận thương mại trong tương lai.

Theo Jean Charles Belliol, đại diện đòan các Tham tán ngoại thương Pháp (CCE), so với diễn đàn lần 7 tổ chức tại Jakarta, thì diễn đàn lần 8 này tại Việt Nam sẽ thu hút số lượng người tham gia gấp đôi.

“Chúng tôi không cho rằng khi diễn đàn kết thúc sẽ có một làn sóng đầu tư Pháp mới vào Việt Nam, nhưng chắc chắn một số công ty Pháp và Việt Nam sẽ có được nhiều thông tin của nhau, thiết lập được các mối quan hệ bước đầu làm tiền đề cho những phát triển tốt đẹp về sau”, ông Belliol nói.