09:11 03/08/2007

ASEAN tăng sức hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế

Quốc Trung

Với tiềm năng lớn về thương mại và đầu tư, ASEAN đang trở thành đối tác kinh tế quan trọng với nhiều nước và khu vực

ASEAN đang hướng tới thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
ASEAN đang hướng tới thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
ASEAN có tổng giá trị GDP ước tính đạt khoảng 731 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 339,2 tỷ USD, đang từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh.

Vì vậy, ngày càng nhiều nước và khu vực coi ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng.

Nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 40 (AMM-40), tại Manila (Philippines), một loạt hội nghị đã được tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và các đối tác.

Hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh

Giới phân tích cho rằng, thời gian qua, ASEAN nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, nhằm thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Vì thế, chủ đề chính của AMM-40 cũng là thúc đẩy sự hội nhập của Hiệp hội trên nhiều lĩnh vực.

Ngay sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 40 kết thúc, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và cuộc gặp không chính thức của ngoại trưởng các nước tham gia cấp cao Đông Á (EAS) đã diễn ra ngày 31/7 tại Manila.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, các vị bộ trưởng đã kiểm điểm lại những kết quả hợp tác trong quá trình đàm phán và triển khai các thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ thiết lập khu vực mậu dịch tự do hoặc đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hướng tới xây dựng một Khu vực mậu dịch tự do toàn Đông Á trong tương lai.

Tại cuộc gặp không chính thức của ngoại trưởng các nước tham gia EAS, các bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: giáo dục, an ninh năng lượng, tài chính, phòng chống cúm gia cầm, giảm nghèo...

Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhấn mạnh rằng, sự hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế ASEAN.

Hợp tác kinh tế - thương mại ASEAN - Trung Quốc mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Hàng loạt thỏa thuận buôn bán, đầu tư được ký nhân Hội nghị cấp cao, kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc tháng 10/2006, trong đó các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ USD.

FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 7 năm nay đánh dấu bước tiến quan trọng để hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc vào năm 2009, được trông đợi mỗi năm tăng thêm thặng dư trong buôn bán của Hàn Quốc với ASEAN 1,5 tỷ USD

Mở rộng quan hệ, khai thác tiềm năng

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 40, ngày 1/8 đã diễn ra một loạt Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+1 và ASEAN+10 với 10 nước đối thoại gồm: Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Nga, Mỹ và Canada...

Các vị bộ trưởng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế; kiểm điểm, thảo luận về phương hướng, biện pháp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN với các bên đối thoại.

Về quan hệ với Australia, hai bên đã ký kết tuyên bố chung về đối tác toàn diện và kế hoạch hành động triển khai tuyên bố này trong giai đoạn 2007-2012.

Với Canada, hai bên đánh giá cao kết quả triển khai kế hoạch hợp tác chung giai đoạn 2005-2007.

Với EU, hai bên nhất trí thông qua kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố Nuremberg về đối tác tăng cường ASEAN-EU, đồng thời hoan nghênh quyết định của các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU về việc khởi động đàm phán xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-EU.

Về quan hệ ASEAN với Mỹ, hai bên nhất trí các nỗ lực thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thay đổi khí hậu...

Trong quan hệ ASEAN với Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đánh giá: quan hệ hợp tác với ASEAN là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.

Theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực năm 2005 đạt 38,1 tỷ USD, năm 2006 ước đạt hơn 45 tỷ USD.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hồi tháng 5 năm nay đã nhất trí hoàn tất kế hoạch khung hội nhập kinh tế trong khuôn khổ AEC nhằm thực thi hội nhập sớm hơn dự định, từ năm 2020 lên năm 2015.

Các Bộ trưởng thỏa thuận bắt đầu thảo luận việc điều chỉnh Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA) nhằm phối hợp hoạt động đầu tư nội khối, nơi toàn bộ các ngành sẽ mở cửa cho đầu tư từ các nước ASEAN vào năm 2010 và cho tất cả các nhà đầu tư vào năm 2020.