Bamboo Capital đổi tên công ty, đẩy mạnh hoạt động theo mô hình Tập đoàn
Ngày 5/9/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã ra thông báo chính thức sử dụng tên mới (tên cũ là Công ty Cổ phần Bamboo Capital)...
Theo công ty, việc đổi tên thành Tập đoàn Bamboo Capital nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với đối tác và khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển công ty trong giai đoạn mới, thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Trên thực tế, kể từ khi tái cấu trúc vào năm 2019 đến nay, Bamboo Capital đã hoạt động dưới mô hình tập đoàn tư nhân đa ngành. Bamboo Capital đóng vai trò công ty mẹ, bên dưới là các công ty con đảm trách hoạt động kinh doanh trong 5 lĩnh vực, gồm: Năng lượng tái tạo, Bất động sản, Xây dựng - Cơ sở hạ tầng, Sản xuất, Dịch vụ tài chính - Bảo hiểm.
Tính đến ngày 30/6/2022, Bamboo Capital có hơn 50 công ty thành viên và liên kết, việc chuyển đổi tên là bước đi cần thiết để nâng tầm vị thế, phản ánh chính xác quy mô, tính chất và cấu trúc hoạt động của Tập đoàn.
Trong các mảng kinh doanh, Bamboo Capital xác định 3 mũi nhọn chiến lược là năng lượng tái tạo (BCG Energy), bất động sản (BCG Land), dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BCG Financial và Bảo hiểm AAA).
Tập đoàn Bamboo Capital đang tích cực hoàn thiện các thủ tục cần thiết để IPO BCG Land và BCG Energy vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Năm 2022 dự kiến là năm bùng nổ doanh thu của BCG Land với khoảng 5.000 – 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.400 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào đóng góp từ hạch toán dự án khu nghỉ dưỡng Malibu Hội An và Hội An d’Or. Trong khi đó với khoảng 600MW điện mặt trời đã vận hành thương mại, BCG Energy đang có nguồn thu ổn định, mục tiêu doanh thu của BCG Energy năm 2022 là 1.660 tỷ đồng, lợi nhuận 997 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ 2022 phê duyệt, Bamboo Capital sẽ phát hành hơn 266,7 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu được dự kiến là hơn 2.667 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bamboo Capital cũng dự kiến phát hành 250 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư công chúng theo hình thức bán đấu giá cổ phần. Giá khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày HĐQT công ty ra quyết định chào bán. Cuối tháng 8 vừa qua, Bamboo Capital đã phát hành xong 25 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2021 và 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho năm 2022. Dự kiến ngày 22/9 sắp tới Công ty sẽ tiếp tục chi 250 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Như vậy, sau các đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, phát hành cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP và hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bamboo Capital cho biết mục tiêu cốt yếu của công tác huy động vốn là để Tập đoàn có thêm nguồn lực tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao hơn, tạo ra các giá trị lớn hơn cho cổ đông. Nếu chỉ xét riêng các dự án đang vận hành hiện nay thì nguồn vốn của Tập đoàn vừa đủ. Tuy nhiên, để nắm bắt các cơ hội lớn hơn từ thị trường, phát huy hết tiềm năng của Tập đoàn thì Bamboo Capital cần tiếp tục nâng cao năng lực về vốn.
Năm 2022, Bamboo Capital đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 7.250 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với thực hiện 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, Bamboo Capital đã đạt được 2.133,9 tỷ đồng doanh thu và 877,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lãnh đạo Tập đoàn Bamboo Capital khá tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh nhờ cuối năm là thời điểm ghi nhận doanh thu lớn từ các dự án bất động sản.