20:40 21/02/2021

Bất chấp Covid-19, doanh nghiệp vàng vẫn "cháy hàng" ngày vía Thần Tài

Đào Hưng

Mặc dù các công ty kinh doanh đã để chênh lệch giữa giá mua và giá bán thấp so với mọi năm, chỉ khoảng 700.00 đồng/lượng nhưng với mức chênh lệch này các cửa vàng vẫn sẽ thu lợi lớn

Ngày vía Thần Tài năm nay sức mua không hề giảm do dịch bệnh. Theo các doanh nghiệp vàng, nếu tính cả lượng khách mua online thì doanh thu năm nay hơn 20–30% so với cùng kỳ.

Ghi nhận tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày vía Thần Tài (mùng 10 Âm lịch) năm nay lượng khách có phần thưa thớt lúc đầu giờ sáng và đã đông trở lại vào gần trưa.

Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại cửa hàng vẫn có khách đến chờ mua vàng từ 3 giờ sáng. Tuy nhiên, do ngày vía Thần Tài trùng với ngày Chủ Nhật nên người dân đi mua vàng muộn hơn.

Cũng theo bà Luyến, người dân bắt đầu đi mua vàng ngay sau Tết, khi cửa hàng vừa mở cửa trở lại nên lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp không phải chờ lâu như mọi năm. “Năm nay cửa hàng Bảo Tín Minh Châu đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến nên khách giao dịch online nhiều hơn so với năm trước từ 5-6 lần”, bà Luyến tiết lộ.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Doji cho biết, theo thống kê sơ bộ đến 16h chiều ngày vía Thần Tài, hàng trăm nghìn sản phẩm của DOJI đã được bán ra thị trường, trong đó các sản phẩm Linh vật Kim Ngưu cực kỳ đắt khách. Điển hình là hai sản phẩm Đồng tiền vàng Kim Ngưu Phát Lộc và Kim Ngưu Chiêu Tài trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ được nhiều khách hàng ưa chuộng

Theo bà Hiền, lượng khách đến giao dịch tại các cửa hàng Doji trên toàn quốc vẫn rất đông. Vì nhu cầu lớn nên toàn hệ thống Doji vẫn phải tiếp tục điều chuyển hàng để kịp thời thoả mãn nhu cầu của khách hàng.

Tương tự, một doanh nghiệp vàng khác là Sacombank SBJ cũng khẳng định doanh thu từ sản phẩm vàng Thần Tài năm nay tăng đột biến. Được biết, ngày này năm trước, đơn vị này đã cung cấp một lượng vàng Thần Tài ép vỉ cho thị trường Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, khu vực Tây Nam Bộ, Hà Nội với doanh thu đạt hơn 300 tỷ đồng.

Ghi nhận đến 17h chiều ngày Vía Thần Tài, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đã thông báo cháy các mặt hàng Thần Tài, chỉ còn một số ít nhẫn tròn trơn ép vỉ. Số lượng khách hàng mua vàng SJC chỉ nhỏ cũng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Nhìn chung, tính cả kênh bán hàng online, lượng khách mua vàng tăng khoảng 20-30% so với năm 2020.

Đáng chú ý, trái với mọi năm, giá vàng dịp vía Thần tài năm nay rất dễ chịu và có xu hướng giảm. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đang niêm yết giá vàng ở mức 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,30 triệu đồng/lượng (bán ra); giảm 100.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua vào - bán ra so với hôm qua.

Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 55,65 (mua vào) và 56,35 triệu đồng/lượng (bán ra); giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày hôm qua.

Mặc dù các công ty kinh doanh đã để chênh lệch giữa giá mua và giá bán thấp so với mọi năm, chỉ khoảng 700.00 đồng/lượng nhưng với mức chênh lệch này các cửa vàng vẫn sẽ thu lợi lớn.

Trong khi đó, về phía người tiêu dùng mua vàng, nếu bán ra ngay vẫn có thể lỗ lớn. Số lỗ tương ứng với khoảng cách giữa mua vào – bán ra trong ngày.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác về mức chênh lệch mua vào – bán ra, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital chia sẻ, để chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài, các nhà sản xuất phải chuẩn bị trước từ 3 tháng, từ khâu thiết kế, làm khuôn, đúc vàng, gia công, đóng vỉ.

Đồng thời, để chuẩn bị cho mặt hàng thì nguyên liệu sản xuất phải được tập trung trước và sẽ rất thuận lợi nếu như giá vàng khi sản xuất thấp hơn khi bán. Còn nếu như giảm thì doanh nghiệp vàng phải dùng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý rủi ro.

“Chính vì vậy, đơn vị sản xuất ở quy mô lớn cũng chỉ tồn tại trên đầu ngón tay. Chi phí ngoài ra còn thêm các hoạt động truyền thông và quảng cáo tại các điểm bán”, ông Tuấn nhấn mạnh.