16:47 09/11/2015

Bầu cử ở Myanmar: Đảng cầm quyền thừa nhận thất bại

An Huy

“Chúng tôi đã thua”, quyền Chủ tịch Đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) phát biểu

Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ là khoảnh khắc mà bà Suu Kyi tỏa sáng sau nhiều năm bị quản thúc tại gia - Ảnh: Reuters.<br>
Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ là khoảnh khắc mà bà Suu Kyi tỏa sáng sau nhiều năm bị quản thúc tại gia - Ảnh: Reuters.<br>
Đảng cầm quyền của Myanmar đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 8/11 ở nước này, Reuters đưa tin.

Nhiều khả năng, Đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo và sẽ giành quyền thành lập chính phủ mới.

“Chúng tôi đã thua”, quyền Chủ tịch Đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP), ông Htay Oo phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters về cuộc bầu cử tự do toàn quốc đầu tiên ở Myanmar sau 1/4 thế kỷ.

Sau đó, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Myanmar đã bắt đầu công bố kết quả bầu cử theo từng khu vực bỏ phiếu. Tại tất cả 12 khu vực bầu cử đầu tiên được công bố kết quả, đảng NLD của bà Suu Kyi đều thắng.

NLD cho biết, đảng này ước tính sẽ giành hơn 70% số ghế trong Quốc hội, nhiều hơn số ghế 2/3 cần thiết để giành quyền thành lập chính phủ.

“Họ phải chấp nhận kết quả này, cho dù họ không muốn”, phát ngôn viên Win Htein của NLD nói.

Trước đó, bà Suu Kyi đã xuất hiện trên ban công của trụ sở đảng NLD ở Yangon, mỉm cười và vẫy tay vẫy chào người ủng hộ đang tập trung bên ngoài.

Nữ chính trị gia 70 tuổi và từng được đề cử cho giải thưởng Nobel hòa bình cũng đã có một bài phát biểu ngắn, kêu gọi những người ủng hộ bà kiên nhẫn chờ cho tới khi có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Cuộc tổng tuyển cử là cột mốc lớn trong hành trình trở thành một quốc gia dân chủ của Myanmar, từ chỗ nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội. Kết quả của cuộc bỏ phiếu cũng sẽ là khoảnh khắc mà bà Suu Kyi tỏa sáng sau nhiều năm bị quản thúc tại gia.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, một thời kỳ mới khó đoán định đang chờ Myanmar sau cuộc bầu cử, bởi chưa rõ liệu bà Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực ra sao với quân đội - vốn vẫn đang giữ vị trí lớn trong nền chính trị nước này.

Hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo đảm bảo 1/4 số ghế trong Quốc hội cho các thành viên quân đội. Và cho dù NLD giành 3/4 số ghế trong Quốc hội - tỷ lệ cần thiết để lập chính phủ mới - thì bà Suu Kyi cũng không trở thành Tổng thống và vị trí này vẫn sẽ do một nhân vật quân đội đảm nhiệm.

Bà Suu Kyi nói bà sẽ giữ một vị trí quyền lực phía sau vị Tổng thống mới của Myanmar, bất chấp quy định hiến pháp mà bà miêu tả là “rất ngớ ngẩn”.

Theo quy định của Hiến pháp, quân đội Myanmar được đảm bảo các vị trí chủ chốt trong Quốc hội, đồng thời có quyền giành kiểm soát Chính phủ trong một số trường hợp.

Ngoài ra, quân đội Myanmar cũng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thông qua các doanh nghiệp mà lực lượng này kiểm soát.