11:44 10/12/2014

Bí thư Đà Nẵng ghi biển số taxi thiếu văn minh

Nguyên Hà

2015 đã được thành phố Đà Nẵng chọn là năm “Văn hóa văn minh đô thị”

Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Trần Thọ (bên trái).<br>
Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Trần Thọ (bên trái).<br>
2015 đã được Đà Nẵng chọn là năm “Văn hóa văn minh đô thị”. Và đây là chủ đề được bàn thảo rất sôi nổi tại phiên thảo luận sáng 10/12 của Hội đồng Nhân dân thành phố, được truyền hình trực tiếp trên đài địa phương. Có những câu chuyện thú vị tại phiên thảo luận này.

Góp ý về giải pháp, một vị đại biều đề nghị chọn đường Bạch Đằng, con đường rất đẹp ven sông Hàn làm tuyến đường văn minh để tập trung chỉ đạo làm điểm.

Đồng ý với đại biểu là con đường này chắc chắn được chọn là tuyến đường văn minh, song Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Trần Thọ nêu hai điểm thiếu văn minh tại đây.

Ông nhấn mạnh là “xin nói với các bạn trẻ”, giữa ban ngày mà một số đôi nam nữ ôm hôn nhau trên hè phố thì “trông khó chịu quá”.

Biểu hiện thứ hai ông cho biết đã nhìn thấy trên báo địa phương là “một số anh lái taxi dừng xe tè bậy, nhìn rất mắc cỡ”.

“Một lần đi ngang qua đường Bạch Đằng tôi thấy anh taxi đang tè bậy, tôi bảo tài xế lùi xe ghi lại biển số, sau đó gọi điện về cho ông giám đốc của hãng. Chiều đó ông ta họp toàn bộ lái xe, kiểm điểm trừ lương anh kia, cho tạm nghỉ mấy ngày. Du khách đến Đà Nẵng mà hình ảnh anh đi tè bậy đập vào mắt, thì còn ra sao nữa”, Bí thư Trần Thọ kể chuyện.

Điều hành phiên thảo luận, ông Thọ khuyến khích cả các vị khách mời tham gia tranh luận, hiến kế, phản biện những nội dung được đề cập, và gần như vấn đề nào được đại biểu nêu ông đều tham gia bình luận, làm rõ thêm.

Với văn minh đô thị, dù Đà Nẵng được du khách đánh giá rất cao, song một số vị đại biểu Hội đồng Nhân dân cho rằng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Theo đại biểu Trần Văn Lĩnh để hình thành chuẩn mực về ứng xử của thành phố thì cần giao cho sở văn hóa xây dựng quy ước về ứng xử văn minh đô thị của nhân dân Đà Nẵng.

Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Trương Phước Ánh cho rằng cần xác định điểm nhấn về văn hóa của thành phố làm điểm tựa phát triển văn hóa, gắn liền với phát triển du lịch để văn hóa và kinh tế song hành.

Một vị đại biểu nữ thì đề nghị đổi tên cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi thành cầu Tình Yêu, song một vị đại biểu nam không đồng tình, vì đây là cây cầu mang tên vị anh hùng, không nên đổi tên.

Bên cạnh nội dung trên, cách ứng xử của Đà Nẵng với dự án trên đèo Hải Vân cũng được một số vị đại biểu đề cập và tranh luận.

Hoan nghênh Chủ tịch UBND thành phố có công văn báo cáo Thủ tướng để đình chỉ dự án World Shine - Huế trên đèo Hải Vân, đại biểu Thái Thanh Hùng đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương phân định địa giới giữa Huế và Đà Nẵng cho rõ ràng. “Khi tôi ra đèo Hải Vân kiểm tra dự án thì thấy cái nhà hai tầng của dự án nằm toàn bộ trên đất Đà Nẵng”, ông Hùng nói.

Một vị đại biểu khác cho rằng hiện ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế có sự chồng lấn, thẩm quyền giải quyết là thuộc Quốc hội, nên cũng không thể trách lãnh đạo Đà Nẵng.

Hội đồng Nhân dân thành phố có quyền báo cáo Quốc hội và khi chưa phân rõ ranh giới thì ta phải giữ không cho làm, đại biểu Hùng tiếp tục bày tỏ quan điểm.

“Đà Nẵng là đất Việt Nam, Huế cũng là đất Việt Nam, việc tranh chấp địa giới đã báo cáo Chính phủ, không để bất cứ dự án nào có liên quan đến an ninh quốc phòng trên địa giới có tranh chấp này, nhưng không làm phức tạp thêm tình hình”, Bí thư Trần Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho rằng nếu phát hiện ngay từ khi chủ dự án khi bỏ móng nhà thì hay hơn là để đến khi họ đã làm lên nhà hai tầng.

Ông còn cho biết thêm là bên cạnh việc báo cáo bằng văn bản đã cử Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa gặp trực tiếp các đồng chí lãnh đạo cấp cao để báo cáo và việc dừng triển khai dự án là phù hợp.