Biểu tình liên miên khiến ngành bán lẻ Hồng Kông giảm mạnh chưa từng thấy
Giới chuyên gia không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một làn sóng đóng cửa trong ngành bán lẻ Hồng Kông
Doanh thu ngành bán lẻ Hồng Kông giảm mạnh kỷ lục trong tháng 10 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế của vùng lãnh thổ hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của phong trào biểu tình kéo dài từ đầu tháng 6.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do chính quyền Hồng Kông công bố ngày 2/12 cho thấy doanh thu bán lẻ của thành phố giảm 24,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm chưa từng có tiền lệ và đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp giảm với tốc độ hai con số.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu cơ quan tài chính thuộc chính quyền Hồng Kông, ông Paul Chan, phát biểu trước nghị viện rằng ông dự báo Hồng Kông sẽ có thâm hụt ngân sách lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 2000 trong tài khóa này. Ông Chan cũng nói bất ổn chính trị hiện nay sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông mất khoảng 2 điểm phần trăm trong năm nay.
Số liệu về doanh thu bán lẻ là một dấu hiệu cho thấy kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc vào đầu tháng 10 đã không mang lại một lượng lớn du khách từ đại lục thăm Hồng Kông. Tính chung, lượng du khách thăm Hồng Kông giảm khoảng 44% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở Hồng Kông, khoảng thời gian mấy tháng sắp tới sẽ rất quan trọng. Nhiều chủ doanh nghiệp sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn là có tiếp tục duy trì hoạt động trong năm 2020 hay đóng cửa, bởi đã gần tới thời hạn đóng tiền thuê mặt bằng và trả thưởng cuối năm cho nhân viên.
Chuyên gia kinh tế Iris Pang thuộc ngân hàng ING Bank ở Hồng Kông dự báo khả năng 70% sẽ xảy ra một làn sóng đóng cửa các điểm bán lẻ ở Hồng Kông nếu doanh thu tiếp tục ảm đạm.
Hãng bán lẻ mỹ phẩm Sa Sa International Holdings mới đây cho biết có thể sẽ đóng 30 cửa hiệu trong năm tới, tùy thuộc vào tình hình chung và kết quả đàm phán với các nhà cho thuê mặt bằng về giá thuê. Giá cổ phiếu Sa Sa đã giảm hơn 40% trong năm nay.
Hãng bán lẻ nữ trang Chow Tai Fook Jewellery thì cho biết sẽ cố gắng cắt giảm chi phí bằng các đề nghị các nhà cho thuê mặt bằng giảm giá thuê, hạ chi tiêu cho quảng cáo, và xem xét lại hệ thống cửa hàng ở Hồng Kông và Macau. Trong 6 tháng đầu năm tài khóa hiện tại, lợi nhuận ròng của Chow Tai Fook đã giảm 21%.
Hồng Kông vốn là một trong những thị trường bán đồng hồ cao cấp lớn nhất thế giới, nhưng doanh số đồng hồ hạng sang ở Hồng Kông cũng sụt giảm năm nay. Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ sang Trung Quốc đại lục trong tháng 10 đã lần đầu tiên vượt qua xuất khẩu sang Hồng Kông.
"Nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn, đến cuối năm, nhiều công ty kinh doanh đồng hồ sẽ phải đóng cửa", ông Alain Lam, Giám đốc tài chính của Oriental Watch Holdings, phát biểu.
Oriental Watch đã thuyết phục được một số chủ cho thuê mặt bằng giảm giá thuê 8-10%, nhưng không có gì đảm bảo công ty sẽ duy trì mạng lưới rộng ở thị trường Hồng Kông, ông Lam cho hay.
"Nếu những con số này không giúp cải thiện tình hình, chúng tôi sẽ phải đóng nhiều cửa hiệu ở Hồng Kông và chuyển trọng tâm chiến lược sang thị trường Trung Quốc đại lục", ông Lam nói.