14:02 18/12/2023

Bộ Giao thông vận tải hối thúc mở rộng 12 cao tốc phân kỳ dù nhiều tuyến mới khai thác

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và cơ quan liên quan đang rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc đang khai thác gồm 5 tuyến 2 làn xe và 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục. Trong số đó, nhiều tuyến cao tốc vừa mới vận hành phải rục rịch mở rộng...

Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng cao tốc  khoảng 380km/năm, gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước 2020.
Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng cao tốc khoảng 380km/năm, gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước 2020.

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư.

PHÂN KỲ GIẢM TỚI 50% TỔNG MỨC ĐẦU TƯ NHƯNG NHIỀU BẤT CẬP LỘ RÕ

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, cả nước đưa vào khai thác 12 tuyến cao tốc theo quy mô phân kỳ đầu tư, với tổng chiều dài 743km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác. 

Trong số đó có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới.

Bên cạnh đó, có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.

 

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố. Tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80km/h - 90km/h.

Như vậy, nhiều tuyến dù mới khai thác khoảng 1 năm đã rục rịch nghiên cứu phương án mở rộng như: cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan...

Cùng với đó, phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn có thể gây tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dài hơn so với đầu tư hoàn chỉnh một lần.

Cũng theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, quy mô phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn, khoảng 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm, đặc biệt hiệu quả với các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, thời giai khai thác phân kỳ từ 6 - 10 năm.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư đường bộ cao tốc rất lớn nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn. Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn được phân bổ hơn 304.000 tỷ đồng, đáp ứng 66% nhu cầu, phần lớn được ưu tiên đầu tư đường cao tốc.

Do đó, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng. Trong bối cảnh này, việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án.

"Điều này cũng phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo từng giai đoạn, đặc biệt đối với các dự án triển khai theo phương thức PPP cần giảm chi phí đầu tư, tăng tính khả thi về phương án tài chính trong khi nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao", Bộ Giao thông vận tải phân tích.

Cùng với đó việc phân kỳ đầu tư cao tốc cũng giúp sớm hình thành hệ thống đường bộ cao tốc đáp ứng mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng nhu cầu của các địa phương, kết nối các vùng miền. Trong giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào điều kiện nguồn lực sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Tuy nhiên, đến năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác 1.163 km đường cao tốc với tốc độ xây dựng khoảng 80km/năm. Để đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tốc độ xây dựng cần đẩy nhanh vào khoảng 380km/năm, gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước 2020 là nhiệm vụ rất khó khăn.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐỂ MỞ RỘNG CAO TỐC

Về việc có thể mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhu cầu vận tải trên đường bộ ngày càng tăng. Cùng với đó, thế và lực của nước ta từng bước lớn mạnh, quy mô, tiềm lực và tính tự chủ của nền kinh tế được nâng lên; khu vực kinh tế tư nhân phát triển có thể tham gia đầu tư hạ tầng.

Hơn nữa, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch với quy mô 4 - 10 làn xe, tốc độ khai thác 80 - 120km/h. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đầu tư các tuyến đường bộ từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo không đầu tư đường bộ cao tốc 2 làn xe gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng cơ chế, chính sách; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; huy động nguồn lực để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.

Trong đó, trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, tạo có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT nhằm tiếp tục huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách, sớm đầu tư hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc được phân kỳ đầu tư.

Thông tin gợi mở về việc đầu tư mở rộng 12 tuyến đang khai thác, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn - Hòa Liên từ 2 làn lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn bằng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức PPP.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo hình thức PPP. Tỉnh Hoà Bình chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện các bước điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các đoạn tuyến còn lại gồm Cam Lộ - La Sơn, Thái Nguyên - Chợ Mới, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi lưu lượng xe, nghiên cứu nâng cao tốc độ khai thác, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết giao thông, xử lý kịp thời các sự cố.

Bộ Giao thông vận tải đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ nghiên cứu việc xây dựng tuân thủ theo quy chuẩn đường cao tốc; ưu tiên việc đầu tư theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh như đang triển khai với các tuyến như: Chợ Mới - Bắc Kạn, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành; mở rộng mặt cắt ngang bảo đảm việc khai thác đáp ứng tiêu chuẩn đường bộ cao tốc như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. 

"Trường hợp phân kỳ đầu tư, cần phải nghiên cứu, so sánh kỹ lưỡng các phương án đầu tư, kết hợp phương án án tổ chức giao thông hợp lý bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác đường bộ cao tốc", Bộ Giao thông vận tải cho biết.