10:34 07/12/2023

Càng làm càng lỗ, nhà thầu giao thông tầm trung sẽ biến mất trong vòng 5 - 7 năm tới đây

Ánh Tuyết

Quay cuồng vì đơn giá, định mức xây dựng hiện còn nhiều bất cập, lạc hậu và chưa sát thực tế, nhiều nhà thầu giao thông rơi vào tình cảnh càng làm càng lỗ. Dự báo khoảng 5 - 7 năm tới đây, những nhà thầu tầm trung sẽ biến mất...

Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa hợp lý trong ngành giao thông vận tải.
Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá chưa hợp lý trong ngành giao thông vận tải.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm: "Gỡ khó đơn giá, định mức trong xây dựng công trình giao thông" được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/12 cho rằng Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 ban hành định mức xây dựng (Thông tư số 12) do Bộ Xây dựng ban hành giải quyết phần lớn các khó khăn, vướng mắc về định mức trong lập dự toán chi phí xây dựng công trình đối với lĩnh vực đường bộ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, do còn thiếu định mức cho công tác thi công ,đơn giá định mức chưa đồng bộ hoặc chưa sát với thực tế dẫn đến tình trạng nhà thầu giao thông chưa được tính đúng, tính đủ so với nhân lực, vật lực, thiết bị công nghệ đã đầu tư để triển khai dự án. Điều này đẩy không ít nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh và bắt kịp sự phát triển của các nhà thầu quốc tế.

"VÊNH" GIÁ SO VỚI THỊ TRƯỜNG, NHÀ THẦU CHẬT VẬT XOAY XỞ

Chia sẻ tại toạ đàm, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết định mức đơn giá là vấn đề nóng, đặc biệt với các đơn vị xây dựng cơ bản. Đơn vị thực hiện rất nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và thấy rõ sự chênh lệch lớn giữa giá trong hợp đồng so với giá thực tế. Dù hệ thống định mức đã được điều chỉnh theo Thông tư 12 nhưng qua quá trình áp dụng, các nhà thi công cầu vẫn rất khó khăn.

Chẳng hạn, sau đợt bão giá vừa qua, giá cát đắp hợp đồng khoảng 153.000 đồng/khối nhưng đơn vị mua khoảng 254.000 đồng/m3 - chênh hơn 100.000 đồng/m3. Trong công trình, riêng hạng mục cát đắp cần dùng tới 300.000 đồng/m3, như vậy tính sơ bộ, nhà thầu phải bù tới 30 tỷ đồng.

Chỉ ra ba nguyên nhân gây nên tình trạng chênh lệch về giá vật liệu khiến nhà thầu phải “cắn răng” chi thêm tiền, ông Tuấn Anh cho biết thứ nhất, có thể báo giá của địa phương không kịp, sát thực tế.

Thứ hai, các chủ mỏ bắt tay để thao túng làm đội giá do đó các nhà thầu ở khu vực đó rất khó mua nguyên vật liệu đắp.

Thứ ba, bất cập về việc thanh tra kiểm toán sau khi hoàn thành công trình. Khi đó, các đoàn thanh tra kiểm toán thường áp sử dụng định mức có giá trị thấp nhất. 

Bên cạnh đó, khi đi thị sát các dự án cao tốc Bắc - Nam, các cấp lãnh đạo đều chỉ đạo phải tăng cường "3 ca, 4 kíp" làm ngày đêm. Thế nhưng, kinh phí trả cho nhân công làm tăng giờ, làm đêm, làm cả ngày nghỉ, tiền lương phải tăng 200 - 300% nhưng lại không cơ quan nào bàn đến, đơn vị loay hoay không biết lấy nguồn ở đâu để bù vào.

“Đây thực sự là vấn đề khó khăn, nhức nhối", đại tá Nguyễn Tuấn Anh giãi bày.

 

"Về đơn giá vật liệu, trước đây, cơ cấu vật liệu trong đơn giá tổng hợp chỉ chiếm 45 - 55%, đến nay, tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã lên đến 76,2%, ở giai đoạn 2 còn khoảng 65%, tức giá vật liệu vẫn chiếm 2/3 giá thành đơn giá tổng hợp", lãnh đạo Tập đoàn Định An chia sẻ.

Đại diện một trong những nhà thầu thực hiện rất nhiều dự án cao tốc, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An, cũng chỉ rõ nhiều bất cập về định mức, đơn giá.

Chẳng hạn, đơn giá tính nhân công thực hiện một khối bê tông chỉ từ 600 - 650 nghìn đồng nhưng chi phí thực tế lại từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, khiến nhà thầu bị lỗ.

Về khấu hao vật tư và ca máy, đơn giá ca máy cũng lập từ quá lâu, không có thiết bị đặc chủng đưa vào thực hiện. Đáng nói, nhà thầu phải đầu tư thiết bị để đảm bảo tiến độ, chất lượng, chẳng hạn khi mua một trạm trộn Nikko của Nhật tiêu tốn khoảng 30 - 40 tỷ đồng, của Hàn Quốc khoảng 20 tỷ; máy rải 10 tỷ đồng, hệ thống máy khoan nhồi khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thiết bị này làm xong phải bán ngay, càng giữ càng lỗ.

Vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn Định An cho rằng cần xem lại cơ cấu định mức đã cập nhật được các thiết bị mới theo công nghệ hiện nay hay chưa, hay chỉ có những thiết bị đã lâu, không còn phù hợp với công nghệ xây dựng hiện nay, từ đó phải sớm bổ sung.

Đơn giá tổng hợp bao gồm đơn giá trong hợp đồng cộng với điều chỉnh giá, nhưng khi có sự biến động do kinh tế - xã hội, yếu tố cung cầu, đơn giá này vẫn không sát và bị chênh lệch với thị trường.

Đối với ca máy, do biện pháp tiến độ và đặc thù ngành giao thông, hệ số ca máy hoàn thiện khối hiện là 1,3 nhưng thực tế khi triển khai lại từ 2,8 - 3,4.

“Hệ quả của việc chậm giải quyết vấn đề này không chỉ khiến các nhà thầu thua lỗ mà còn dẫn đến sự phân hóa nhanh của các nhà thầu. Khoảng 5 - 7 năm sẽ lại thay lớp nhà thầu mới, những nhà thầu tầm trung trở xuống sẽ không tồn tại được do không luân chuyển được liên tục máy móc, vật tư thiết bị đầu tư, không tối ưu được chi phí chung. Khi so găng cùng các nhà thầu lớn, chắn chắn sẽ phải đóng cửa", ông Quang lo ngại.

SỚM ĐIỀU CHỈNH CÁC ĐỊNH MỨC BẤT HỢP LÝ

Chia sẻ với những khó khăn nhà thầu giao thông đang phải đối mặt, ông Phùng Tiến Vinh, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), cho rằng tất cả các thông tư hướng dẫn đã ban hành có ảnh hưởng rất lớn đến nhà thầu tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu xây lắp. Khó khăn về đơn giá định mức của các nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam rất khó xử lý về thủ tục.

Bởi trong đấu thầu có công thức về điều chỉnh giá nhưng cũng phải xem có phù hợp với thực tiễn hay không, biến động do trượt giá do Covid-19, kinh tế - xã hội thì có phù hợp hay không, hay việc triển khai thi công 3 ca 4 kíp có được tính vào đơn giá, định mức hay không. Đây là những vấn đề rất khó xác định. 

Cũng theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, với Thông tư 12, một số định mức chưa đưa vào được công nghệ mới như thảm bê tông nhựa, thi công nền đắp, thi công hầm.

"Các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải đang tổng hợp lại các đơn giá định mức để cập nhật thêm vào Thông tư 12, hiện nay đã cập nhật 547 định mức, trong đó có các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không", ông Vinh thông tin.

Về bất cập tại Thông tư 12, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết sẽ phối hợp với Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) để rà soát các định mức còn thiếu và bổ sung để phù hợp nhất với thực tiễn. Đơn cử, định mức phun vỏ hầm giao thông trên 6 phân, sơn một vệt đường trong hầm gờ 60 ly cũng chưa có, Bộ Giao thông vận tải đã ghi nhận để cập nhật.

Về phía đường, định mức của đất đắp nền đường bằng đá, đào đá cấp 4 hiện cũng chưa có và rất bất cập. Về đường sắt, tất cả hệ thống thông tin tìm hiểu trên đường sắt hầu như cũng chưa đề cập trong Thông tư 12, trong quá trình thực hiện đang phải sử dụng định mức của Bộ Thông tin và truyền thông và chiếu theo quy định lại không đúng...

"Cục Quản lý xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Kinh tế xây dựng để hướng dẫn hoàn thiện các nội dung định mức chưa phù hợp với ngành và các biện pháp thi công thực tiễn của các nhà thầu, để đưa vào Thông tư trong thời gian sớm nhất. Cố gắng trong tháng 12 sẽ làm xong để xin ý kiến Bộ Xây dựng", ông Vinh khẳng định.