07:53 02/12/2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xây dựng cao tốc, “mở đường” cho tăng trưởng Trung du và miền núi phía Bắc

Anh Nhi

Với điểm nghẽn lớn trong khả năng kết nối giao thông và liên kết kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng xây dựng các cao tốc kết nối nội vùng, kết nối cửa khẩu, kết nối hàng không và hàng hải và kết nối với các trung tâm kinh tế sẽ giúp “mở đường” thúc đẩy tăng trưởng vùng Trung du và miền núi phía Bắc…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý một số điểm trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý một số điểm trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Khai mạc Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều 1/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng, là vùng địa đầu, cội nguồn, phên dậu và lá phổi của Tổ quốc với hơn 9,5 triệu ha, tiếp giáp 2 tỉnh của Trung Quốc.

Theo đó, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển, giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Dù được đánh giá là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nước, hệ sinh thái đa dạng về thành phần… song vùng cũng đang có nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển khi địa hình bị chia cắt, kết nối giao thông kém. Thời gian di chuyển nội vùng và tới các trung tâm kinh tế còn lớn, liên kết với các cửa khẩu còn khó khăn. Trong đó, thời gian di chuyển trung bình đến Hà Nội là trên 6 giờ, chậm nhất ở khu vực phía Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu), tốc độ di chuyển tối đa theo hướng Đông Tây chỉ 30 - 40km/h.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngoài ra, sự đa dạng về văn hoá Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 31 dân tộc với sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống đòi hỏi một mô hình phát triển phù hợp. Chất lượng lao động thấp và chênh lệnh giữa các địa phương; tăng trưởng kinh tế không đều, nhiều tỉnh tăng trưởng giảm…

HÌNH THÀNH 4 TIỂU VÙNG CÙNG PHÁT TRIỂN VÀ CHIA SẺ ĐẦU TƯ

Chia sẻ về quy hoạch thời kỳ tới, đại diện Công ty cổ phần tư vấn quốc tế EnCity – đại diện đơn vị tư vấn đã nêu 6 định hướng tổng thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “xanh, bền vững và toàn diện” trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Theo đó, Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 04 tiểu vùng, 06 hành lang kinh tế (04 hành lang chính và 02 hành lang phụ), 03 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Cụ thể, mỗi tiểu vùng có 01 hành lang kinh tế chính, 01 cực tăng trưởng phía Nam, thuộc vành đai quanh Thủ đô; 01 trọng điểm phát triển ở biên giới thuộc vành đai an sinh, an ninh - quốc phòng. Vùng động lực gồm: Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ. Các cực tăng trưởng gồm Tiểu vùng 1 (Hòa Bình, Sơn La); Tiểu vùng 2 (Phú Thọ, Lào Cai); (Tiểu vùng 3: Thái Nguyên); Tiểu vùng 4 (Bắc Giang, Lạng Sơn).

“Trong đó, mỗi tiểu vùng là một vùng kinh tế tương đối hoàn chỉnh với vùng nguyên liệu, kết nối cửa khẩu, kết nối hàng không – hàng hải, chia sẻ cùng một hành lang kinh tế chính và các cơ sở hạ tầng xã hội”, đại diện EnCity cho biết.

Về định hướng phát triển, EnCity nêu rõ cùng với việc kết nối du lịch để phát triển toàn diện, tăng sự lan tỏa từ vành đai công nghiệp, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao và bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế của vùng.

Vị trí chiến lược và kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các vùng khác.
Vị trí chiến lược và kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các vùng khác.

Đặc biệt, để giải quyết điểm nghẽn lớn trong khả năng kết nối giao thông, đơn vị tư vấn đề xuất tăng tốc độ liên kết về cửa khẩu và các trung tâm kinh tế lân cận, nâng cấp kết nối Đông – Tây, nghiên cứu mở kết nối quốc tế qua Lào cho phát triển trong dài hạn.

GIẢI QUYẾT ĐIỂM NGHẼN LỚN TRONG KẾT NỐI

Cụ thể, đầu tư cao tốc Bắc-Nam đoạn nối Hòa Bình-Thanh Hóa; tuyến Quốc lộ 16 kết nối với Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ. Ưu tiên nâng cấp, kết nối đường Vành đai 1 (QL.4) và đường Vành đai 3 (QL.37) để đẩy nhanh tốc độ kết nối Đông Tây.  Nâng cấp và đầu tư các sân bay Điện Biên, Lai Châu, Nà Sản, và Sa Pa…

Giai đoạn sau 2030, nghiên cứu đầu tư bổ sung xây dựng đường cao tốc Sơn La - Yên Bái (dọc QL37). Trong đó, tăng tốc quốc lộ 37 bằng việc mở đường cấp III với 4 làn xe. Theo đơn vị tư vấn, việc này sẽ tiết kiệm hơn 1 tiếng di chuyển từ thủ phủ nông sản Sơn La và tiểu vùng phía Tây đến cảng, đồng thời liên kết chuỗi du lịch Điện Biên – Sơn La – Yên Bái. Đồng thời thực hiện cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên để mở thêm lối ra biển.

Sau giai đoạn 2030, sẽ tăng cường kết nối đông tây, nhằm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng quy mô các trung tâm chế biến/sản xuất, đưa nông sản tới gần hơn các thị trường quốc tế và liên kết hệ sinh thái du lịch. Xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Điện Biên, nâng cao liên kết nội vùng và quốc tế, bảo vệ cơ hội phát triển trong tương lai.

Hướng tuyến kết nối được EnCity đề xuất trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ tới.
Hướng tuyến kết nối được EnCity đề xuất trong quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ tới.

Liên quan đến đề xuất đầu tư đường cao tốc nối Hòa Bình - Thanh Hoá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là đề xuất đáng lưu tâm bởi đây là giải pháp để kết nối vùng này với cảng biển Nghi Sơn. Khi hình thành các tuyến đường sẽ liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng.

Với vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý đơn vị tư vấn cũng như các tỉnh phải chú trọng kết nối với thị trường Trung Quốc.

“Họ đã phát triển đường bộ tới Bằng Tường, kết nối đường sắt với Thái Lan và Lào. Nếu không kết nối với Trung Quốc, ta sẽ không tận dụng được thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu này. Và nếu không kết nối với Trung Quốc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ khó bứt phá trong giai đoạn tới. Do đó, phải mở rộng tầm nhìn để làm quy hoạch tốt hơn và phù hợp hơn”, Bộ trưởng chỉ rõ.