10:18 31/05/2007

Bộ kít nội phát hiện hàn the sắp ra mắt

Kim Oanh

Bộ kít của Nhóm nghiên cứu Phùng Văn Trung giúp thử nhanh, giá rẻ, dễ sử dụng và dễ triển khai đến người tiêu dùng

Không có thiết bị thử, người tiêu dùng khó lòng nhận biết đâu là thực phẩm không có hàn the.
Không có thiết bị thử, người tiêu dùng khó lòng nhận biết đâu là thực phẩm không có hàn the.
Năm 2006, Sở Khoa học công nghệ Tp.HCM và Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ đã giao cho nhóm nghiên cứu do ThS. Phùng Văn Trung, công tác tại Viện Công nghệ hóa học, làm chủ nhiệm thực hiện đề tài "Nghiên cứu, chế tạo bộ kít phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm".

Đề tài này đã được Sở Khoa học Công nghệ thành phố nghiệm thu.

Hàn the là một loại hóa chất được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau như tinhal, borax, bồng sa, bàng sa, nguyên thạch... Hàn the có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, như công nghiệp thủy tinh, giấy, gốm sứ, keo, chất đánh bóng, tinh chế vàng và các chất tẩy rửa trong sinh hoạt. Hàn the được thêm vào phân bón để tạo nguyên tố vi lượng cho cây. Người ta cũng dùng hàn the để làm tăng tính chất chống cháy cho các vật liệu.

Hàn the có tính sát trùng và kích ứng nhẹ nên trong công nghệ dược phẩm dùng pha thuốc súc miệng, thuốc đánh răng, thuốc mỡ chống nấm ngoài da (10-15%). Trong Đông y còn dùng bồng sa (dung dịch 1-2%) để súc miệng trừ hôi miệng, viêm họng.

Hàn the có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, nhưng do sử dụng không đúng mục đích nên gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hàn the có thể gây nôn mửa, co cứng cơ, ban đỏ da, màng nêm dịch, sốc trụy tim... Ăn nhiều có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Về lâu dài có thể gây khô da, rối loạn dạ dày, suy thận mãn tính.

Do vậy, từ năm 1970, các nước tiên tiến trên thế giới đã không còn xem hàn the như là chất phụ gia thực phẩm và không cho phép dùng chất này để chế biến thực phẩm. Năm 1998, Bộ Y tế Việt Nam đã cấm sản xuất, kinh doanh hàn the. Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2003 cũng đã cấm sử dụng hàn the với bất kỳ hàm lượng hay cách thức nào.

Tuy nhiên, đến nay việc sử dụng hàn the dường như khó bề kiểm soát. Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm vẫn lén lút vi phạm, gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, việc phát hiện và lựa chọn thực phẩm có hàn the quá khó đối với người tiêu dùng.

Để phát hiện hàn the có trong thực phẩm, trên thị trường Việt Nam, một số cơ quan chức năng đã nhập bộ kít thử hàn the của nước ngoài phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý thị trường. Một số công ty Nhật, Đức, Thái Lan... cũng đã cho ra đời các sản phẩm ở dạng test kit nhưng giá khá cao (400.000 đ/kít 50 test, 600.000 đồng kít/100 test, rẻ nhất là Thái Lan với giá 80.000 đồng/kít 100 test). Vấn đề là cần có bộ kít thử nhanh, giá rẻ, dễ sử dụng và nhanh chóng triển khai đến người tiêu dùng.

Bộ kít của Nhóm nghiên cứu Phùng Văn Trung đáp ứng được những yêu cầu này. Giá bộ kít của nhóm nghiên cứu Phùng Văn Trung rẻ hơn nhiều so với bộ kít nhập khẩu, khoảng 25.000 đồng/hộp 100 lần thử.

Theo ông Trung, thời gian thử trong vòng 5 phút. Cách sử dụng đơn giản chỉ cần 3 bước là có thể xác định hàn the trong mẫu thực phẩm (nếu có). Với các loại thực phẩm khô như chả lụa, giò thủ, thịt nguội, bánh cuốn... dùng dao hoặc thìa lấy một ít thực phẩm cho vào 1 đĩa nhỏ sạch. Sau đó nhỏ 2-3 giọt dung dịch hiện màu lên miếng thực phẩm. Nghiền nát miếng thực phẩm để hàn the (nếu có) trong thực phẩm tan hoàn toàn vào dung dịch hiện màu, nghiền càng kỹ thì độ chính xác càng cao. Cuối cùng áp một đầu tờ giấy thử lên hỗn hợp đã nghiền để thấm ướt giấy thử.

Với những thực phẩm ngâm chua như tỏi ngâm, dưa cải ngâm, thì lấy ít nước ngâm thực phẩm, nhúng ướt 1/2 tờ giấy thử và nhỏ dung dịch hiện màu lên phần giấy thử đã nhúng ướt. Đợi vài phút, nếu giấy thử chuyển sang màu cam đỏ thì trong mẫu thực phẩm có chứa hàn the.

Nhận thấy tính tiện dụng, nhiều người dân trong và ngoài Tp.HCM tìm đến hỏi thăm về sản phẩm này. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm đang trong thời gian đăng ký tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế để có thể sản xuất đại trà phục vụ nhu cầu người dân. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong thời gian sớm nhất sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.