Bộ sưu tập từ tơ lụa Việt Nam sẽ có mặt tại hội chợ AF-L'ARTIGIANO 2024
Nhà thiết kế Italia mong muốn có thể kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các làng nghề truyền thống xây dựng hệ thống giới thiệu sản phẩm làng nghề Việt Nam tại Italia và một số nước khác...
Tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF L'ARTIGIANO tổ chức ở thành phố Milan (Italia) vào cuối năm 2023, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội , Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã có cơ hội gặp gỡ bà Barbara Ebbli - người sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika tại Italia.
Công ty tư vấn sáng tạo thiết kế của bà Barbara là một trong số những công ty uy tín hàng đầu Italia và châu Âu và nằm trong Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ của châu Âu. Khi đó, bà Barbara đã ghé thăm gian hàng Hà Nội - Việt Nam và gặp gỡ trao đổi, hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Hà Nội.
Ngay sau đó, vào đầu năm nay, bà Barbara Ebbli đã đến Hà Nội để khảo sát thực tế vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm; nắm bắt quy trình sản xuất lụa từ đó đưa ý tưởng tư vấn thiết kế thời trang mẫu mã cho các sản phẩm từ chất liệu vải, lụa, thổ cẩm cho một số doanh nghiệp có sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, bà Barbara Ebbli đánh giá cao về sản phẩm làng nghề Hà Nội, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, thêu, dệt lụa Vạn Phúc…
Cho đến chiều ngày 25/11 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội làm việc với bà Barbara Ebbli. Đây là một trong những hoạt động kết nối hợp tác nhằm đổi mới mẫu mã, thiết kế và nâng cao giá trị cho sản phẩm làng nghề. Từ ngày 14 - 28/11/2024, bà Barbara Ebbli làm việc với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội để triển khai bộ sưu tập thiết kế, hoàn thiện sản xuất trên chất liệu tơ đũi, lụa tơ tằm - sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Hanhsilk.
“Bộ sưu tập này là thành quả của những chuyến đi của tôi ở Việt Nam, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều, học hỏi từ người Mường những hoa văn đặc trưng để áp dụng vào thiết kế của mình”. Bà Barbara Ebbli giới thiệu về bộ sưu tập thời trang của mình. Trong đó, có nhiều bộ may mất đến 20 m vải lụa, 15 người thợ lành nghề và rất nhiều thời gian, công sức.
Chia sẻ tại cuộc làm việc, bà Barbara cho biết bộ sưu tập phản ánh chân thực chuyến đi đến Việt Nam vào hồi tháng 1/2024. Các sản phẩm thiết kế mang tính thẩm mỹ, tính thời trang những vẫn có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa hai nền văn hoá Việt Nam - Italia. “Bộ sưu tập được thiết kế theo phong cách và sở thích của người tiêu dùng châu Âu và quốc tế, màu sắc tươi sáng, sắc nét, thiết kế sáng tạo phong cách riêng. Chúng tôi rất kỳ vọng các mẫu thiết kế sẽ được đón nhận tích cực,” bà Barbara chia sẻ.
Tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội Tạ Văn Tường bày tỏ ấn tượng với bộ sưu tập. Không chỉ “đẹp - sang”, các mẫu sản phẩm còn cho thấy sự gần gũi trong thiết kế. “Trong năm 2025, TP. Hà Nội tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế năm 2025. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội trân trọng mời bà Malaika Barbara Ebbli cùng các cộng sự sang tham dự, đồng thời qua nắm bắt tiềm năng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Thủ đô để tiếp tục hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội tiếp cận với thị trường quốc tế trong các năm tiếp theo…” Phó Giám đốc Tạ Văn Tường nói.
Theo kế hoạch, bộ sưu tập này sẽ được trình diễn vào tối vào ngày 29/11/2024 tại lễ khai mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội . Đồng thời bộ sưu tập sẽ được triển lãm tại khai mạc Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế tại Milan, Ý năm 2024 vào ngày 30/11/2024 cũng như khai trương trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phẩn Hanhsilk tại showroom của Công ty tư vấn sáng tạo thiết kế Malaika tại Ý vào ngày 8/12/2024.
“Qua sự hợp tác với bà Barbara Ebbli tôi rất hy vọng sẽ phát huy được những khả năng tiềm tàng của sản phẩm làng nghề Hà Nội. Không chỉ có sản xuất, chúng tôi sẽ kết hợp cả du lịch vào các làng nghề để gia tăng giá trị”, ông Tạ Văn Tường khẳng định. Theo đó, thủ đô hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận.
Lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố đánh giá, phân hạng được 3.160 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.584 sản phẩm 3 sao, 81 sản phẩm tiềm năng 4 sao, số sản phẩm đánh giá lại 241 (gồm có 4 sản phẩm 5 sao). Với sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, sản phẩm làng nghề Hà Nội đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những thế mạnh thì hạn chế lớn nhất của làng nghề truyền thống Hà Nội nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, là chưa cải tiến mạnh về mẫu mã, thiết kế; tiêu chuẩn về môi trường, số lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm.
Nói riêng về làng lụa Vạn Phúc, hiện nay, quy mô sản xuất lụa tại địa phương đang gặp không ít khó khăn và có chiều hướng thu hẹp. Tính tất cả các xưởng dệt trong làng chỉ còn duy trì khoảng 200 máy dệt, một con số khiêm tốn so với quy mô 1.000 máy dệt vào thời kỳ hoàng kim. Một trong những khó khăn lớn nhất để duy trì và phát triển làng nghề là lực lượng lao động. Các nghệ nhân theo nghề dệt chủ yếu là những người đã đứng tuổi, còn lực lượng lao động trẻ tuổi đang ngày một ít đi.
Ngoài ra, Lụa Vạn Phúc được dệt chủ yếu từ tơ tằm, tuy nhiên hiện diện tích vùng trồng dâu nuôi tằm tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương lân cận đang dần bị thu hẹp. Nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, trong khi sản phẩm thì phải bình ổn về giá để giữ chân khách hàng. Do đó, bài toán bảo đảm cân đối giữa chất lượng sản phẩm và lợi nhuận kinh doanh trong bối cảnh nguyên liệu khan hiếm đang là thách thức không nhỏ đối với các hộ theo nghề làm lụa tại địa phương.
Để tôn vinh nét đẹp nghề tơ lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, phường Vạn Phúc sẽ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024 với chủ đề “Quê lụa Hà Đông - Tinh hoa hội tụ” từ ngày 30/11 đến 6/12. Trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ, còn có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc, giới thiệu về du lịch Vạn Phúc với những loại hình kinh doanh mới, độc đáo.