10:04 08/12/2014

Bộ trưởng lý giải cước vận tải xuống chậm hơn giá xăng

Ngô Trang

Người đứng đầu ngành tài chính nói về diễn biến của nền kinh tế trong những tháng cuối năm

Giá xăng trong nước đã giảm lần thứ 11 liên tiếp.<br>
Giá xăng trong nước đã giảm lần thứ 11 liên tiếp.<br>
Liên quan đến tình hình lạm phát đang ở mức thấp - cả năm chỉ ở mức 4%, trước quan ngại cho rằng nền kinh tế có nguy cơ đối diện với giảm phát, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận “mức lạm phát này không đáng lo ngại, mà là tín hiệu đáng mừng”.

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 7/12, người đứng đầu ngành tài chính nói, lạm phát thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Điều đó thể hiện rằng chúng ta đã điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, quý sau tăng hơn quý trước và cùng kỳ năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, tăng trưởng kinh tế của chúng ta có thể vượt mức 5,8%”, theo Bộ trưởng.

Bên cạnh đó, ông lưu ý, trong thời gian vừa qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và việc điều hành chính sách tiền tệ cũng linh hoạt, đi đúng hướng, điều hành giá cả đúng quy luật và tín hiệu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm trước là mức 11,1%, nghĩa là cầu vẫn đang rất tốt.

Liên quan đến phản hồi của dư luận cho rằng, giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua, song cước vận tải hàng hoá, hành khách chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí nhiều hãng không giảm, ông Dũng cho hay, vừa qua Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải tại một số địa phương.

Qua kiểm tra cho thấy, chi phí cấu thành giá vận tải bao gồm rất nhiều loại như xăng, dầu, khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhân công, cầu đường, bến bãi… Chi phí nhiên liệu đối với xe chạy xăng chiếm từ 25-35%, đối xe chạy dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.

Cho nên, nếu tính riêng tác động của việc giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố khác, mức giảm hiện nay của các hãng vận tải từ 5 - 8% là tương đối hợp lý, theo Bộ trưởng.

Ông cũng nhấn mạnh, việc điều hành quản lý giá phải theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có Luật Giá và theo đó, giá cước vận tải không nằm trong danh mục bình ổn về giá. Hơn nữa, có rất nhiều hãng vận tải đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Điều này thể hiện qua việc có nhiều hãng đã hạ giá rất thấp để cạnh tranh với nhau.

Do đó, ông Dũng cho rằng trước mắt chưa cần bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá.