10:29 08/07/2025

Bộ Y tế: Quy định mới về đơn thuốc và kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú

Thu Hằng

Theo quy định mới, việc kê đơn thuốc phải tuân thủ hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh. Những thay đổi này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong quản lý chuyên môn, giám sát đơn thuốc chặt chẽ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú đối với người có thẻ bảo hiểm y tế.

Những điểm mới như cho phép kê đơn tối đa 90 ngày, đơn thuốc chỉ có giá trị 5 ngày tại nhà thuốc ngoài bệnh viện, hay cơ chế thống nhất đơn khi khám nhiều chuyên khoa…, đang đặt ra yêu cầu mới cho cả bác sĩ và người bệnh.

ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG NGƯỜI BỆNH TRƯỚC KHI KÊ ĐƠN

Là một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước, ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng quy định cho phép kê đơn thuốc dài ngày hơn là điểm thay đổi rất tích cực. Tuy nhiên, kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định.

Theo ông Sơn, quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ buộc phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Có những trường hợp ổn định thì có thể kê 90 ngày, nhưng cũng có những trường hợp chỉ nên kê 5–10 ngày, vì bệnh đang trong giai đoạn cấp tính, cần theo dõi sát.

“Nếu kê quá dài mà bệnh chuyển biến, bệnh nhân không quay lại kịp thì có thể gây nguy cơ hoặc lãng phí thuốc. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là kê đơn cần cá thể hóa, mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho Quỹ Bảo hiểm y tế, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn”, ông Sơn cho hay.

Về việc đơn thuốc bảo hiểm y tế chỉ có hiệu lực lĩnh thuốc trong thời gian tối đa 5 ngày, ông Sơn lý giải, hiệu lực lĩnh thuốc trong thời gian tối đa 5 ngày là kế thừa quy định trước đây.

Việc này các bác sĩ đã rất quen thuộc trong việc tư vấn cho người bệnh, để tránh việc đơn thuốc bị hết hiệu lực lĩnh, tránh để quá thời gian rồi phải quay lại khám lại, rất phiền phức.

 
ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai. 
ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai. 

Đối với đơn thuốc người bệnh tự mua không có khuyến cáo về thời gian mua, đây cũng là một thay đổi rất quan trọng, bác sĩ phải đặc biệt lưu ý trong quá trình tư vấn. Khi kê đơn, cần giải thích rõ và hướng dẫn cho người bệnh về thời hạn tốt nhất của việc mua thuốc trong đơn.

“Chúng tôi đã phổ biến kỹ lưỡng nội dung này đến toàn bộ bác sĩ, nhất là các bác sĩ khám ngoại trú - nơi tiếp xúc nhiều với người dân. Việc giao tiếp và hướng dẫn bệnh nhân rõ ràng, đầy đủ từ khâu kê đơn sẽ giúp hạn chế sai sót trong quá trình sử dụng thuốc”, bác sĩ Sơn thông tin.

TĂNG VAI TRÒ CỦA BÁC SĨ KHÁM CHÍNH

Về việc giám sát chất lượng kê đơn thuốc, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết với quy mô khám chữa bệnh lớn, bệnh viện đã thực hiện việc này từ nhiều năm nay.

Trước tiên là cập nhật đầy đủ cho bác sĩ các quy định của Bộ Y tế, từ danh mục thuốc, chỉ định, kỹ thuật, xét nghiệm đến cận lâm sàng. Đồng thời, tổ chức các đợt đào tạo định kỳ, cập nhật quy định mới.

Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: ND.
Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: ND.

Trong mua sắm, bệnh viện rà soát kỹ để loại bỏ các hoạt chất không nằm trong danh mục quy định, tránh trường hợp mua nhầm, gây lãng phí. Ngoài ra, hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện có chức năng cảnh báo. Ví dụ như cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn… giúp bác sĩ chủ động kiểm soát, giảm sai sót trong kê đơn.

Một điểm nữa là thực hiện bình đơn thuốc hàng tuần. Tức là sau khi bác sĩ kê đơn, bộ phận chuyên môn sẽ rà lại, đánh giá tính hợp lý, phát hiện các bất cập nếu có, như kê trùng thuốc, kê chưa đúng chỉ định, kê thêm thuốc bổ không thực sự cần thiết…Những trường hợp này sẽ được nhắc lại để bác sĩ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. “Làm tốt khâu này không chỉ giúp đảm bảo an toàn điều trị mà còn hạn chế được rủi ro không đáng có”, bác sĩ Trần Thái Sơn nhấn mạnh.

Trước đây theo Thông tư 52, việc tổng hợp đơn thuốc được bệnh viện giao cho lãnh đạo khoa khám bệnh. Nhưng từ Thông tư 26, bác sĩ khám chính sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp đơn cuối cùng. Trường hợp cần thiết, bác sĩ khám chính có thể đề nghị Hội đồng Hội chẩn toàn viện xem xét, quyết định.

Theo ông Sơn, việc này rất hiệu quả. Bởi vì người khám chính thường nắm rõ tình trạng toàn diện của bệnh nhân. Việc tổng hợp đơn từ đầu mối này sẽ tránh tình trạng kê đơn trùng lặp, bỏ sót thuốc cần thiết, đồng thời phát huy được vai trò phối hợp liên chuyên khoa. Người bệnh sẽ được điều trị toàn diện hơn, đúng hướng hơn. Ngoài việc kê đơn đúng, bác sĩ cũng cần lưu ý dặn dò cụ thể để bệnh nhân hiểu và tuân thủ tốt nhất.