07:16 10/07/2012

Cà phê Việt Nam vững giá, đắt hơn cà phê Indonesia

An Huy

Nam đang xuất khẩu nhiều cà phê hơn Brazil, giá cà phê Việt Nam đang cao hơn của Indonesia

Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và sản xuất cà phê nói chung lớn thứ nhì.
Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và sản xuất cà phê nói chung lớn thứ nhì.
Nam đang xuất khẩu nhiều cà phê hơn Brazil, giá cà phê Việt Nam đang cao hơn của Indonesia.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn thông tin từ Volcafe cho biết, lượng cà phê robusta mà các hãng rang xay trên thế giới sử dụng trong niên vụ 2011-2012 này đã tăng thêm khoảng 5 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, nhu cầu cà phê robusta của thị trường đang phát triển tăng thêm 3 triệu bao, còn nhu cầu cà phê loại này ở các thị trường phát triển tăng thêm 2 triệu bao.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta gia tăng sau khi chênh lệch giá giữa cà phê robusta và cà phê arabia gia tăng lên mức 1,89 USD/pound vào năm ngoái, mức đỉnh kể từ ít nhất năm 2008 - theo số liệu của Bloomberg. Cà phê robusta được sử dụng chủ yếu để sản xuất các loại cà phê uống liền, còn cà phê arabica - loại đắt tiền và có hương vị hấp dẫn hơn - thường được dùng cho các loại đồ uông cao cấp hơn như cà phê của hãng Starbucks.

“Đến nay, chúng tôi đã nhận thấy bằng chứng rõ nét về xu hướng tăng sử dụng cà phê robusta thay cho arabica xuất hiện từ năm ngoái”, Volcafe cho biết. Volcafe là bộ phận giao dịch cà phê thuộc công ty hàng hóa cơ bản ED&F Man Holdings Ltd có trụ sở ở Winterthur, Thụy Sỹ.

Cà phê robusta được trồng chủ yếu ở khu vực châu Á và một số vùng của châu Phi, còn cà phê arabica được trồng chủ yếu ở Mỹ Latin. Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và sản xuất cà phê nói chung lớn thứ nhì. Brazil là nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất, đồng thời cũng là quốc gia sản xuất cà phê đứng đầu thế giới.

Cũng theo số liệu của Volcafe, trong tháng 6 năm nay, Việt Nam xuất khẩu nhiều cà phê hơn Brazil. Trước đó, theo số liệu của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trong thời gian từ tháng 2-5 năm nay, Việt Nam có khối lượng xuất khẩu cà phê lớn hơn Brazil.

“Những con số này cho thấy, nói chung, các hãng rang xay đang dùng nhiều cà phê robusta hơn, cả ở các thị trường mới nổi và phát triển. Đây hoàn toàn xuất phát từ yếu tố nhu cầu, khi mà tồn kho cà phê Brazil ở châu Âu và Nhật Bản vẫn còn cao, trong khi tồn kho cà phê robusta đang ở mức thấp”, Volcafe cho biết.

Tính đến thứ Sáu tuần trước, mức chênh giá giữa cà phê arabica và robusta lại tăng lên mức 83,69 cent/pound, từ mức đáy của năm là 55,61 cent/pound vào hôm 14/6. Thời tiết mưa lớn ở Brazil đã cản trở tiến độ thu hoạch cà phê ở nước này, đẩy giá cà phê arabica lên cao. Volcafe cho rằng, sự khác biệt về giá như hiện nay giữa hai loại cà phê sẽ khiến khó đảo ngược xu hướng dùng cà phê robusta để thay cho cà phê arabica.

Theo thông tin từ Volcafe, giá cà phê của Indonesia đang trong xu hướng giảm do nguồn cung gia tăng từ vụ thu hoạch mới ở nước này. Tính đến cuối tuần trước, giá chào mua cà phê Indonesia giao hàng tháng 7-8 cao hơn 50 USD/tấn so với giá cà phê robusta giao sau trên sàn NYSE Liffe ở London. Trong tuần trước đó, mức chênh giá là 70 USD/tấn.

Trong tuần qua, khối lượng cà phê Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới, cập cảng vào khoảng 11.500-12.500 tấn, từ mức 10.000 tấn trong tuần trước đó. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Indonesia sẽ sản xuất 9,7 triệu bao cà phê trong niên vụ 2012-2013 bắt đầu vào tháng 4 năm nay, từ mức 8,3 triệu bao trong niên vụ 2011-2012.

Trong khi giá cà phê Indonesia có xu hướng giảm thì cà phê Việt Nam vẫn vững giá, theo Volcafe. Tính đến cuối tuần trước, giá cà phê của Việt Nam cao hơn 60 USD/tấn so với giá cà phê robusta giao sau trên sàn Liffe, nghĩa là cao hơn giá cà phê Indonesia 10 USD/tấn. Volcafe cũng cho biết, giá cà phê mà thương lái thu mua của nông dân Việt Nam tuần qua đã đạt mức cao của niên vụ là 43.500 đồng (2,08 USD)/kg.

Theo số liệu từ Reuters, kết thúc phiên giao dịch đêm qua (9/7) tại thị trường New York, giá cà phê arabica giao tháng 9 tăng 3,3%, đóng cửa ở mức 1,8235 USD/pound. Trên sàn Liffe ở London, giá cà phê robusta giao tháng 9 trong phiên hôm qua có lúc giảm 8 USD, tương đương giảm 0,4%, còn 2.037 USD/tấn.

Giá đường thô giao tháng 10 trên sàn ICE đóng cửa tăng 2%, đạt mức 22,7 cent/pound. Từ mức đáy của năm là 18,9 cent/pound hôm 4/6 đến nay, giá đường đã tăng 20%, bước vào trạng thái thị trường giá lên.

Giá ca cao giao tháng 9 trên sàn ICE đóng cửa tăng 3%, đạt mức 2.319 USD/tấn.