Các công ty tư vấn “hốt bạc” nhờ kế hoạch thuế quan của ông Trump
Doanh nghiệp ở Mỹ nói chung đang lo kế hoạch áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây thiệt hại lớn cho kết quả kinh doanh của họ. Nhưng các công ty tư vấn lại đang mong chờ điều hoàn toàn ngược lại...
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến ngày ông Trump nhập chức, và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ đang đứng trước những câu hỏi lớn như: Liệu có cần phải dịch chuyển sản xuất sang nơi khác không? Nếu có thì đi đâu? Chi phí của việc này sẽ là bao nhiêu? Có phải thay đổi giá sản phẩm không? Làm thế có mất khách hay không?
Những câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan trên diện rộng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó mức thuế cao nhất sẽ được áp lên hàng hóa từ Trung Quốc, tiếp đến là hàng hóa từ Mexico và Canada. Cả ba nước này đều là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tuần trước, ông còn gia tăng sự cảnh báo khi tuyên bố sẽ áp thuế quan mới lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không nhập thêm dầu thô và khí đốt của Mỹ.
Không chỉ lo về mức thuế, doanh nghiệp còn lo về thời điểm áp thuế. Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump hoàn toàn có thể ngay lập tức gây đảo lộn thương mại toàn cầu bằng cách sử dụng các sắc lệnh điều hành để áp thuế quan. Những nước bị ông Trump áp thuế quan có thể nhanh chóng đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ, dẫn tới thiệt hại trực tiếp cho những ngành xuất khẩu chủ lực của Mỹ như dầu khí, hóa chất và sản xuất ô tô.
Theo hãng tin CNN, kịch bản thương mại “ăn miếng trả miếng” chóng vánh như vậy đồng nghĩa doanh nghiệp không có thời gian để chuẩn bị cho việc tích trữ hàng hóa hay ký hợp đồng sản xuất mới. Trong lúc căng thẳng, các nhà điều hành doanh nghiệp rất dễ đưa ra những quyết định thiếu đúng đắn có thể gây thiệt hại lớn cho chính họ và khách hàng. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp cần tới các nhà tư vấn về chuỗi cung ứng và thương mại.
MỐI LO VỀ DỊCH CHUYỂN SẢN XUẤT
“Tôi không cho là bất kỳ ai, hoặc chí ít là những doanh nghiệp thận trọng, nghĩ rằng họ có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường trong một môi trường đầy sự hỗn loạn và chịu đựng. Nhưng thực tế là các công ty vẫn phải tiến về phía trước, và vì thế, các công ty tư vấn có việc để làm”, Phó chủ tịch Dan Gardner của Trade Facilitators - một công ty tư vấn về chuỗi cung ứng toàn cầu và quản lý logistics ở Los Angeles - nói với CNN.
Công ty này hỗ trợ khách hàng tìm kiếm những quốc gia để có thể đặt sản xuất sản phẩm. Khách hàng của công ty bao gồm các nhà xuất khẩu và nhập khẩu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với doanh thu dao động từ 200 triệu USD đến 2 tỷ USD mỗi năm - theo ông Gardner.
Sau khi khách đã tìm được địa chỉ sản xuất ưng ý, ông Gardner bắt đầu liên lạc với đầu mối tại các nhà máy ở đó. Cuối cùng, ông đưa ra cho khách hàng ước tính về “tổng chi phí cập bến” của sản phẩm, bao gồm tất cả thuế quan, chi phí sản xuất và vận chuyển cũng như bất kỳ chi phí nào khác liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B. Ước tính đó mang lại khách hàng một căn cứ để có thể tính giá bán sản phẩm sao cho phù hợp.
Trong hầu hết các trường hợp, Trade Facilitators áp phí trả trước hàng tháng hoặc thiết lập hợp đồng với khách hàng cho các dự án sản phẩm cụ thể trong một khoảng thời gian giới hạn, chẳng hạn như 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, hợp đồng tư vấn thường được gia hạn. Ông Gardner cho biết một số dự án sản xuất của khách đã bị tạm dừng cho đến khi có thêm thông tin về thuế quan của ông Trump.
Nhưng nói chung, số lượng công ty tìm đến sự tư vấn của Trade Facilitators trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump đang tăng mạnh. Một số thậm chí đã bắt đầu thay đổi kế hoạch sản xuất sau khi tham vấn ông Gardner về vấn đề thuế quan.
MỐI LO VỀ HÀNG TỒN KHO
CEO Joseph Esteves của Maine Pointe, một công ty tư vấn vận hành và chuỗi cung ứng trực thuộc SGS Group, cho biết nhiều khách hàng mới đang tìm cách tránh lặp lại sai lầm mà họ đã mắc phải trong đại dịch Covid-19. “Đại dịch đã dạy cho doanh nghiệp một bài học về điều chỉnh lượng hàng tồn kho sao cho phù hợp với nhu cầu, tránh tích trữ hàng tồn kho không hiệu quả”. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn tránh tình trạng mắc kẹt với lượng hàng tồn kho quá lớn và không thể bán được.
Trước nguy cơ áp dụng thuế quan mới có thể khiến giá thành hàng hóa tăng lên đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tích trữ hàng hóa để tránh khả năng phải tăng giá. Tuy nhiên, nếu nhu cầu của người tiêu dùng không tương ứng sự gia tăng đó của hàng tích trữ, tình trạng đã xảy ra trong thời gian đạn đại dịch có thể tái diễn. Đó là các doanh nghiệp do muốn phòng trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã đặt hàng quá nhiều nhằm đảm bảo có đủ hàng để bán cho khách hàng. Nhưng rốt cục, lượng hàng mà họ đặt quá lớn và không thể bán hết.
Đó là lý do tại sao nhiều khách hàng tìm đến Maine Pointe để được trợ giúp tìm điểm cân bằng cung cầu và giảm thiểu tác động đến giá cả.
Ông Esteves lạc quan rằng hoạt động kinh doanh Maine Pointe sẽ tiếp tục phát triển mạnh sau khi ông Trump nhậm chức. “Tôi nghĩ ngành tư vấn sẽ có những năm tư vấn tuyệt vời”, ông nói và cho biết đang chuẩn bị tuyển dụng thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng.
Các công ty tư vấn cũng đang tăng cường sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn nhất. AI đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và tư vấn nhằm đạt được các giải pháp phù hợp với từng doanh nghiệp cụ thể.
Đối với GEP, một công ty phần mềm về chuỗi cung ứng - mua hàng và dịch vụ tư vấn, hệ thống AI giúp doanh nghiệp khách hàng theo dõi chi tiêu, quản lý hàng nghìn nhà cung cấp, giám sát hàng tồn kho, giám sát hợp đồng và nhận thông tin cập nhật cũng như cảnh báo theo thời gian thực về giá cả cũng như các vấn đề tiềm ẩn. Ngoài ra, hệ thống AI cũng dự đoán sự gián đoạn và các nguồn tiết kiệm chi phí.
Ông John Piatek, Phó chủ tịch phụ trách tư vấn của GEP cho biết: “Dịch vụ lập kế hoạch dự phòng đang là chủ đề nóng. Khách hàng đang tìm kiếm những kế hoạch tốt nhất trong tình trạng hiện tại, để khi thuế quan được áp, họ có thể hành động nhanh chóng và sớm so với đối thủ để đạt được giải pháp”.
Ông Piatek tiết lộ GEP hiện đang “rất bận rộn với hoạt động tư vấn liên quan đến chính quyền Trump sắp tới” và có thể càng bận hơn nữa một khi ông Trump triển khai kế hoạch áp thuế quan.