Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá cho tăng trưởng và phát triển bền vững
Việt Nam là quốc gia nhận thức sớm về các mô hình kinh tế mới. Bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định không thể bỏ lỡ chuyến tàu này, và coi đây là cơ hội lớn nhất, tốt nhất để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới...
Các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới luôn xuất hiện và song hành với sự ra đời và phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, nhằm phát huy tối đa sự đột phá của khoa học công nghệ phục vụ tiến trình phát triển của xã hội, cũng như nhằm hóa giải các thách thức của hiện tại và tương lai, mà thế giới phải đối mặt.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung quốc đều có tốc độ tăng trưởng kinh tố số nhanh, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP lớn. Kinh tế số hiện đang đóng góp tới gần 40% vào GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung quốc.
Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng là các mô hình kinh tế đã được định hình sớm ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên mô hình này được ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả vượt trội hơn nhờ có sự bứt phá về các công nghệ số, công nghệ sinh học của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên thực tiễn, nhiều khu vực kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp đã tích hợp đồng thời các mô hình kinh tế trong hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng thương mại, dịch vụ.
Việt Nam là quốc gia nhận thức sớm về các mô hình kinh tế mới. Bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định không thể bỏ lỡ chuyến tàu này, và coi đây là cơ hội lớn nhất, tốt nhất để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Và rất nhanh chóng, từ tầm nhìn và chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng các mục tiêu, các chiến lược phát triển trong trung hạn và dài hạn.
Đã có tầm nhìn, đã có tư duy chiến lược, đã có chuyển động về chính sách, điều cần làm là bắt tay thực thi và cùng đánh giá tính hiệu quả để điều chỉnh phù hợp hơn.
Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một doanh nghiệp có lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, từ một doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi sang công ty cổ phần, đã đi qua rất nhiều bước thăng trầm, có những giai đoạn tưởng chừng như khó vực dậy. Song những người lãnh đạo của Rạng Đông đã đánh thức lại chính yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp mình là dựa trên khoa học công nghệ, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các mô hình kinh tế mới làm đòn bẩy để tạo đà tăng trưởng.
Chỉ trong 3 năm quyết liệt đổi mới sáng tạo, triển khai các mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh và phát triển bền vững, Rạng Đông đã thu được những trái ngọt về tăng trưởng, là nguồn động lực rất lớn cho toàn đội ngũ quản lý và người lao động của công ty.
Các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinamilk cũng tiên phong ứng dụng các mô hình kinh tế mới vào toàn bộ quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng logistics thương mại sản phẩm. Mới đây, Vinamilk cũng công bố lộ trình tới Net-zero 2050 và hiện thực hóa những bước đi vững chắc của mình bằng Nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam.
Tập đoàn Lộc Trời, một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt được sự bứt phá khi ứng dụng các mô hình kinh tế mới. Kinh tế số đã giúp Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên tạo được chứng chỉ carbon cho cây lúa Việt Nam đồng thời giúp Lộc Trời nâng cao năng lực sản xuất quy mô lớn. Điều giá trị hơn nữa là, tham gia vào hệ sinh thái nông nghiệp chất lượng cao của Lộc Trời, nông dân không chỉ có doanh thu từ hạt lúa mà còn có lợi nhuận cao hơn từ khâu chế biến sản phẩm thứ cấp sau gạo như cám, vỏ trấu… theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của Việt Nam – Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại thành phố Hải Phòng sau khi đổi mới sang mô hình sinh thái, tuần hoàn, khu công nghiệp này đã hồi sinh và đang trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư trên thế giới.
Ngoài ra còn rất nhiều những nỗ lực đang thực thi của các Tập đoàn Kinh tế FDI lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Lego đã chính thức khởi công nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam với giá trị 1,3 tỷ đô la Mỹ.
Qua các chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể của khu vực doanh nghiệp, chúng ta thấy rõ những nỗ lực đang thực thi và cũng thấy được hiệu quả của các mô hình kinh tế mới trên đa dạng các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GDP và tới năm 2030 tỷ lệ này kỳ vọng đạt 30% GDP. Hiện tại, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số dẫn đầu Đông Nam Á (28%), và nếu đạt được mục tiêu trên sẽ đưa Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về kinh tế số ở Đông Nam Á.
Phát triển Kinh tế tuần hoàn cũng đã được Chính phủ đặt trọng tâm bằng việc phê duyệt đề án và giao các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia cũng như nghị định thử nghiệm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn của các khu vực kinh tế, các cộng đồng doanh nghiệp.
Điều đáng quan tâm là, dù nhiều doanh nghiệp tiên phong ứng dụng các mô hình kinh tế mới và đã có kết quả đáng khích lệ, song trên bình diện tổng thể, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, lợi thế dễ nhận thấy là tính linh hoạt và chủ động trong thử nghiệm các phương thức, mô hình mới, tuy nhiên, năng lực về tài chính, quản trị và nguồn nhân lực mỏng, khó có khả năng đầu tư và kiên định bám đuổi các mục tiêu dài hạn. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, quản trị heeh thống cũng như các nguồn lực tài chính từ các đối tác kỹ thuật, các tổ chức tín dụng và ngân hàng.
Công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình, song, thực hiện đồng thời hoạt động “tái thiết” và “thay đổi”, lại chính là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo, làm nên những thành quả có tính đột phá cao. Các mô hình kinh tế mới đang thể hiện tính xu hướng tất yếu và được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Việt Nam cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn.
Việc ứng dụng các mô hình kinh tế mới cũng ngày càng phong phú, đa dạng và sinh động trong nhiều lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường hoạt động kết nối, kênh trao đổi thông tin và tạo các không gian mở để hội tụ sự tham gia thảo luận đánh giá của các bên liên quan nhằm cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự thông hiểu, đồng thuận cùng hướng tới mục tiêu chung – mục tiêu thịnh vượng và bền vững.