Các quỹ ETF bất ngờ bị rút vốn mạnh, lũy kế từ đầu năm rút ròng gấp 12 lần cả năm 2023
Giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt gần 18,9 nghìn tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 31,1% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024...
Trong tuần từ 12/8 – 16/8/2024, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam tiếp diễn trạng thái rút ròng với hơn 691 tỷ đồng, đây là tuần thứ 3 liên tiếp dòng tiền rút ròng với tổng giá trị lũy kế đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng. Động thái rút ròng chủ yếu ở quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF, theo thống kê Từ FiinTrade.
Từ đầu tháng 8/2024, dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận rút ròng gần 1,1 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt gần 18,9 nghìn tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 31,1% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 65,1 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 12/8 – 16/8, tăng 1,4% so với tuần trước. Đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Cụ thể, các quỹ ETF ngoại tiếp đà rút ròng hơn 870 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu đến từ quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF (-477,5 tỷ đồng). Tương tự, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng gần 197 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF lại vào ròng hơn 69 tỷ đồng. Giá trị rút ròng ở quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF đạt hơn 139 tỷ đồng trong tuần 12/8 – 16/8. Tính riêng trên thị trường Việt Nam, quỹ này ghi nhận rút ròng hơn 97 triệu đồng.
Các quỹ ETF trong nước ghi nhận bị rút ròng hơn 76 tỷ đồng, giảm -41,5% so với tuần trước. Đóng góp chủ yếu vào động thái rút ròng đến từ quỹ VFM VN30 ETF với gần 89 tỷ đồng. Tương tự, quỹ VFMVN Diamond ETF cũng bị rút ròng hơn 22 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ Kim Growth VN30 ETF và quỹ Vina Capital VN100 ETF lại hút ròng lần lượt gần 18 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có động thái rút ròng trong dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở 2 quỹ do Dragon Capital quản lý. Trong tuần 12/8 - 16/8/2024, các nhà đầu tư bán ròng 2,75 triệu chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VN30 ETF, tương ứng gần 66 tỷ đồng. Tương tự, đối với quỹ VFM VNDiamond ETF, các nhà đầu tư bán ròng 300 nghìn DR, tương ứng với 10,6 tỷ đồng.
Riêng trong ngày 19/8/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF duy trì đà rút ròng gần 60 tỷ đồng và tiếp tục bán ra các cổ phiếu. Top bán ròng là HPG (-198 nghìn cổ phiếu, -5,1 tỷ đồng), VHM (-115 nghìn cổ phiếu, -4,4 tỷ đồng), VIC (-109 nghìn cổ phiếu, -2,1 tỷ đồng), SSI (-103 nghìn cổ phiếu, -3,7 tỷ đồng), và SHB (-97 nghìn cổ phiếu, -1 tỷ đồng). Ngoài ra, 2 quỹ VFM VNDiamond ETF và quỹ VFM VN30 ETF bị rút ròng lần lượt hơn 66 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn ETF bất ngờ bị rút ròng trong tuần giao dịch vừa qua do trước đó VN-Index giảm mạnh có phiên thủng 1.200 điểm và sau đó thị trường đi ngang với thanh khoản thấp.
Tuy nhiên, nhận định về dòng vốn ETF trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của chứng khoán Yuanta cho rằng, thời gian vừa qua trong khi chứng khoán thế giới tăng nhưng VN-Index tăng chậm hơn, một phần do tỷ trọng nhóm công nghệ không cao nên khó thu hút dòng tiền. Thị trường chưa kể còn bị ảnh hưởng bởi hai nhóm Ngân hàng và Bất động sản - vốn dĩ hai nhóm vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao. Lo ngại về bất động sản không được như kỳ vọng của thị trường khiến nhóm này giảm sâu trong khi nhóm Ngân hàng đã ra hết kết quả kinh doanh quý 2 với nợ xấu tăng cao đã áp lực chung lên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện nay dòng tiền toàn cầu rơi vào trạng thái bán ra chốt lời ở những thị trường đã tăng giá cả một quá trình. Nhiều khả năng, dòng tiền sẽ nhanh chóng tìm đến các thị trường đang có định giá rẻ và tỷ giá hạ nhiệt khi USD suy yếu trong đó có Việt Nam.