14:03 02/04/2024

Các thương hiệu xa xỉ “nhộn nhịp” đầu tư vào lĩnh vực làm đẹp

Băng Hảo

Những khách hàng giàu có không ngừng tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp độc quyền và trải nghiệm được cá nhân hóa. Tuy nhu cầu chưa được thỏa mãn toàn diện do thị trường còn nhiều chỗ trống, cục diện sẽ sớm thay đổi, theo The State of Fashion: Beauty…

Ảnh: Curatedition
Ảnh: Curatedition

Những khách hàng giàu có nhất trên thế giới chi trung bình hơn 350 tỷ USD hàng năm cho các mặt hàng xa xỉ, trong đó có hàng nghìn USD cho rượu quý hiếm hoặc thời trang may đo cao cấp. Tuy nhiên, khi tìm kiếm các sản phẩm và trải nghiệm làm đẹp, nhóm người tiêu dùng này lại có rất ít lựa chọn. Mức chi tiêu trung bình của ngành chăm sóc da, mỹ phẩm cùng các mặt hàng làm đẹp xa xỉ do vậy thấp hơn nhiều so với những danh mục khác.

Tuy nhiên, bước ngoặt sẽ diễn ra, khi LVMH, Kering và Richemont đang rót mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm. Theo báo cáo tài chính, nước hoa và đồ trang điểm của LVMH mang lại “hiệu quả hoạt động vững chắc trên tất cả các khu vực”, đồng thời đạt mức tăng trưởng doanh thu hữu cơ là 11% vào năm 2023, trong đó Christian Dior “đạt được hiệu suất vượt trội, mở rộng vị trí dẫn đầu tại các thị trường trọng điểm của mình, trong khi trang điểm và chăm sóc da cũng góp phần tăng trưởng”.

Như có thể thấy trong biểu đồ của Retail Asia, khi xem xét kỹ hơn doanh thu của tập đoàn từ thị trường APAC (trừ Nhật Bản), nước hoa và mỹ phẩm đã đóng góp hơn 40% vào doanh thu toàn cầu của tập đoàn vào năm 2020 và 2021 cho phân khúc đó; trong khi năm 2022 và 2023 chứng kiến ​​mức đóng góp của khu vực giảm xuống, lần lượt là 35% và 33%. Đáng chú ý, Sauvage của Dior tiếp tục chiến thắng toàn cầu, giành lại vị trí là loại nước hoa bán chạy nhất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp Sephora đã thể hiện hiệu suất vượt trội, củng cố vị thế là công ty dẫn đầu toàn cầu trong ngành bán lẻ sản phẩm làm đẹp.

Doanh thu mảng mỹ phẩm của LVMH từ thị trường APAC (trừ Nhật Bản) so với các lĩnh vực khác như thời trang, đồng hồ...
Doanh thu mảng mỹ phẩm của LVMH từ thị trường APAC (trừ Nhật Bản) so với các lĩnh vực khác như thời trang, đồng hồ...

Vào tháng 4/2023, Tập đoàn LVMH đã bổ nhiệm Stephane Rinderknech, cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn L’Oréal Trung Quốc, làm Giám đốc điều hành bộ phận nước hoa và mỹ phẩm, đồng thời công bố Veronique Courtois là Giám đốc điều hành nước hoa Dior và cựu giám đốc Make Up For Ever, Gabrielle Saint-Genis Rodriguez đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành tại hãng Guerlain.

Tương tự, trong một hội nghị sau báo cáo thu nhập cả năm hôm thứ Năm tuần trước, phó giám đốc điều hành Kering Jean-Marc Duplaix đã giới thiệu kế hoạch tiếp tục xây dựng bộ phận làm đẹp mới thành lập của tập đoàn. Một loại nước hoa cao cấp của Bottega Veneta dự kiến sẽ được ra mắt vào cuối năm nay, tiếp theo là những loại nước hoa đầu tiên được phát triển nội bộ cho Balenciaga và Alexander McQueen. Duplaix nói với các nhà phân tích rằng năm 2023 là một năm “tốt đẹp” đối với Gucci Beauty, do Coty điều hành, mặc dù đơn vị này còn chưa tung ra đủ sản phẩm mới.

Trọng tâm năm nay tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của Kering Beauté, chi nhánh mới của tập đoàn Pháp được thành lập vào tháng 2 năm ngoái dưới sự điều hành của Raffaella Cornaggia, giám đốc điều hành lâu năm của tập đoàn làm đẹp Mỹ Estée Lauder. Vào tháng 7/2023, Kering đã chi 3,8 tỷ USD để mua lại Creed, thương hiệu nước hoa cao cấp.

Ông Duplaix cho biết vào năm tới, doanh thu của Creed dự kiến sẽ vượt 300 triệu euro (323 triệu USD) và công ty đã đảm bảo được vị trí cho một cửa hàng độc lập ở Paris. Ông nói rằng sự phối hợp từ Creed đã được tận dụng để đẩy nhanh sự phát triển của nước hoa Bottega Veneta.

Vào tháng 7/2023, Kering đã chi 3,8 tỷ USD để mua lại Creed, thương hiệu nước hoa cao cấp.
Vào tháng 7/2023, Kering đã chi 3,8 tỷ USD để mua lại Creed, thương hiệu nước hoa cao cấp.

Mặc dù bị loại khỏi báo cáo thường niên cả năm 2023 của Richemont, nhưng trên thực tế tập đoàn Thụy Sĩ cũng đã xây dựng một bộ phận mới có tên là Labouratoire de Haute Parfumerie et Beauté để cạnh tranh trong thị trường nước hoa cao cấp phát triển mạnh. Được công bố vào năm 2023, bộ phận này được lãnh đạo bởi chuyên gia nước hoa Boet Brinkgreve, người trước đây từng là chủ tịch phụ trách nguyên liệu và mua sắm tại nhà sản xuất nước hoa DSM-Firmenich.

Brinkgreve sở hữu ba mươi năm kinh nghiệm trong ngành và am hiểu thị trường Trung Quốc. Vị giám đốc mới cho biết, ông được giao nhiệm vụ mở rộng quy mô kinh doanh nước hoa trên sáu thương hiệu, bao gồm Montblanc, Van Cleef & Arpels, Cartier, Dunhill, Alaïa và Chloé, để đạt được “thị phần quan trọng trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao này”. Tin tức này đã khiến cổ phiếu của Interparfums – nhà sản xuất mùi hương cho 3 thương hiệu trực thuộc tập đoàn – giảm 9,4%. Và hai thương hiệu Van Cleef và Montblanc đóng góp 30% doanh thu của Interparfums vào năm ngoái.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh nước hoa và làm đẹp của Hermès có mức tăng trưởng đáng chú ý là 12%, nhờ hiệu suất của cả sản phẩm mới phát hành và sản phẩm đặc trưng như Terre d'Hermès, bộ sưu tập Jardins và Twilly d'Hermès. Có thể thấy, hầu hết các thương hiệu thời trang có quy mô lớn nhất thế giới đều đã thành lập các bộ phận làm đẹp và nước hoa độc lập. 

Richemont cũng đã xây dựng một bộ phận mới có tên là Labouratoire de Haute Parfumerie et Beauté để cạnh tranh.
Richemont cũng đã xây dựng một bộ phận mới có tên là Labouratoire de Haute Parfumerie et Beauté để cạnh tranh.

Cùng với đó là một loạt các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da đến từ các thương hiệu vốn chỉ kinh doanh trang phục như Paco Rabanne, Dries Van Noten, Marc Jacobs, Gucci, Valentino, Hermès, Stella McCartney, Off-White và Victoria Beckham… Ngay cả Balmain cũng dự kiến ra mắt sản phẩm làm đẹp vào đầu năm 2024. Ulta Beauty, nhà bán lẻ lớn nhất ở Mỹ về lĩnh vực làm đẹp, cho biết doanh số bán hàng tăng gần 17% trong quý gần nhất, so với cùng kỳ năm ngoái.

Dường như, sân chơi của ngành làm đẹp cao cấp sẽ trở nên “nhộn nhịp” và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027 và khu vực đáng chú ý là Châu Á – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc sẽ là thị trường chính, chiếm 67% tổng mức tăng trưởng.

Theo chia sẻ trong một nghiên cứu có tựa đề “Khai phá sự tăng trưởng siêu tốc của thị trường làm đẹp cao cấp của Châu Á” của công ty tư vấn toàn cầu Kearney và nhà phân phối sản phẩm làm đẹp cao cấp lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương Luxasia, Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là hai điểm sáng tăng trưởng lớn nhất trong thời gian tới. Quy mô của hai thị trường tiềm năng này sẽ tăng vọt từ mức 4,5 tỷ vào năm 2021 lên 12,7 tỷ vào năm 2031 với tốc độ CAGR là 11%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của ngành làm đẹp cao cấp toàn cầu - dự kiến chỉ từ 4% đến 6%.

Nước hoa và đồ trang điểm của LVMH mang lại “hiệu quả hoạt động vững chắc trên tất cả các khu vực."
Nước hoa và đồ trang điểm của LVMH mang lại “hiệu quả hoạt động vững chắc trên tất cả các khu vực."

Lợi thế chắc chắn sẽ dành cho những người đi đầu, vì vậy, các thương hiệu có kỳ vọng mở rộng cần phải hành động nhanh chóng để giành được cơ hội vàng hoặc đối mặt với nguy cơ chậm chân, yếu thế. Điều thú vị là, nhu cầu trải nghiệm làm đẹp cao cấp hiện này không còn là “đặc quyền” của giới thượng lưu. Người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn vẫn có thể tiếp cận thị trường này với mức giá rõ ràng là “đủ khả năng chi trả” hơn so với quần áo hay túi xách. Thị trường chăm sóc sắc đẹp cao cấp từ đó có thêm những ông lớn, tuy đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống.

Dù vậy, việc tạo ra một hình ảnh thương hiệu gắn kết giữa làm đẹp và thời trang có những thách thức nhất định, đặc biệt khi hai danh mục này có chu kỳ sản xuất, phân phối và chiến lược tiếp thị rất khác nhau. Hầu hết các thương hiệu hiện đều hợp tác với đối tác bên ngoài: Valentino, Prada và Armani hợp tác với L'Oréal; Tom Ford và Balmain Beauty do Estée Lauder điều hành; Paco Rabanne và Dries Van Noten hoạt động dưới sự dẫn dắt của Puig; trong khi Gucci, Burberry và Marc Jacobs cấp phép sản xuất mỹ phẩm cho Coty.