08:25 18/03/2024

Cá nhân hóa ngành làm đẹp: Xu hướng khó cưỡng

Minh Nguyệt

Người tiêu dùng thời hiện đại có xu hướng chú ý đến những gì liên quan đến bản thân họ. Vì thế, dù ở những nền tảng về công nghệ, hay những cửa hàng bán lẻ, ai cũng muốn tận hưởng những trải nghiệm được cá nhân hóa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo từ Business of Fashion cho biết 73% giám đốc điều hành trong ngành xa xỉ phẩm nhận định sáng tạo AI sẽ là ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp vào năm 2024 và sự phát triển của AI cũng kéo theo xu hướng cá nhân hóa của khách hàng. Cụ thể, trong lĩnh vực bán lẻ, theo báo cáo năm 2023 từ Công ty nghiên cứu thị trường Segment, có đến 56% người tiêu dùng có khả năng trở thành khách hàng thường xuyên của một thương hiệu có trải nghiệm được cá nhân hóa.

NHIỀU THƯƠNG HIỆU NHẬP CUỘC

Dù không có một tuyên bố nào, nhưng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đang trong một cuộc dịch chuyển từ “ta” đến “tôi”. Chẳng hạn với điện tử, bảo mật cho khách hàng đang là “key” của mọi hãng; hay với nhà ở, tính riêng tư là yếu tố được đề cao hơn bao giờ hết. Du lịch cũng vậy, từ chỗ phát triển theo chiều ngang, lấy quy mô làm lợi thế, các doanh nghiệp đang dần đi vào chiều sâu, tìm mũi nhọn riêng để đột phá...

Nói riêng trong ngành bán lẻ, lĩnh vực làm đẹp dường như đang nhanh nhạy nhất với nhu cầu này. Các thương hiệu đang trong cuộc đua cung cấp ngày càng nhiều những sản phẩm được “đo ni đóng giày” cho từng người dùng, từ dầu gội cho đến kem dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm,... bởi lẽ, mỗi người phụ nữ đều có những vấn đề riêng biệt. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào yếu tố di truyền, môi trường sống, thói quen sinh hoạt, ngoại hình của mỗi cá nhân lại gặp phải các vấn đề khác nhau. Với tất cả những yếu tố đó, mỹ phẩm theo đúng nhu cầu là tối quan trọng.

Tại quốc gia làm đẹp Hàn Quốc, những ứng dụng của AI và dữ liệu lớn trong thị trường làm đẹp đang mở rộng nhanh chóng. Đơn cử, Chowis Co. năm ngoái đã lắp đặt hai ki-ốt không nhân viên, được đặt tên là “mySkin KIOSK” và “myHair KIOSK”, sử dụng AI để chẩn đoán da và tóc của khách hàng, sau đó cung cấp cho khách hàng các giải pháp chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở kết quả thu được. Chowis gần đây đã thâm nhập thị trường Mỹ thông qua sự hợp tác với các nhà sản xuất nổi tiếng toàn cầu trong ngành mỹ phẩm như L’Oreal ở Pháp, P&G Group ở Nhật Bản, Nivea ở Đức và AmorePacific ở Hàn Quốc.

Nói riêng trong ngành bán lẻ, lĩnh vực làm đẹp dường như đang nhanh nhạy nhất với nhu cầu này.
Nói riêng trong ngành bán lẻ, lĩnh vực làm đẹp dường như đang nhanh nhạy nhất với nhu cầu này.

Audrey Depraeter-Montacel, Giám đốc điều hành, lãnh đạo toàn cầu của Nhóm Thực hành công nghiệp làm đẹp của Accenture cho biết: “Đây là cách mà các công ty làm đẹp có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy được công nhận với tư cách cá nhân, đồng thời cho phép họ kết nối với thương hiệu theo một cách độc đáo”. Theo báo cáo năm 2022 do Research and Markets công bố, ngành làm đẹp cá nhân hóa dự kiến sẽ đạt giá trị hơn 51 tỷ USD năm 2026, tăng từ 37,72 tỷ USD năm 2022, mang lại cho các công ty động lực để cung cấp những loại dịch vụ này.

Tuy nhiên, khi bàn về việc trải nghiệm cá nhân hóa, Chris Paradysz, CEO của PMX Agency, nhận định: “Hiện tại vẫn còn nhiều nhà bán lẻ thực hành cá nhân hóa theo hướng tùy chỉnh (customization). Họ thường hỏi xem khách hàng muốn gì, đề nghị những sản phẩm phù hợp với mong muốn hoặc đưa ra một danh sách các lựa chọn”. Ví dụ, tại Form Beauty, nơi bán các sản phẩm chăm sóc tóc, những người mua hàng sau khi hoàn thành một bảng khảo sát gồm 15 câu hỏi sẽ nhận được một danh sách gồm 5, 6 sản phẩm phù hợp với nhu cầu, cùng lời khuyên về cách sử dụng những sản phẩm đó.

Tương tự, thương hiệu trang điểm Hourglass có dòng chữ “Bảng màu giám tuyển” cho phép người tiêu dùng lựa chọn màu phấn mắt và son môi, trong khi nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Benefit, Estée Lauder, Nyx, Sephora… ra mắt những ứng dụng để khách hàng dùng thử và trải nghiệm sản phẩm trang điểm ngay trên điện thoại thông minh, sau đó gửi cho họ một danh sách các sản phẩm đề cử để lựa chọn.

Mặc dù đã trở thành xu hướng, cá nhân hóa không phải là một điều dễ thực hiện, ngay cả với các tập đoàn khổng lồ. Rào cản lớn nhất chính là công nghệ. Hiện nay, các công ty đã thu thập được rất nhiều thông tin cá nhân của người dùng. Họ cũng đã có được những hệ thống công nghệ thông tin phân tích và vẽ nên được những hồ sơ chân dung, sở thích, thói quen khá chính xác của từng người dùng. Thế nhưng, sản xuất hàng loạt ra được sản phẩm đáp ứng từng đặc điểm đó cho hàng trăm nghìn người tiêu dùng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cá nhân hóa ngành làm đẹp: Xu hướng khó cưỡng - Ảnh 1