Cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Từ "cơ hội kéo" đến "thách thức đẩy"
Trong khi CPTPP và EVFTA được xem là "cơ hội kéo" thì RCEP sẽ là "thách thức đẩy" buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế
Một cách ví von, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng trong khi CPTPP và EVFTA được xem là "cơ hội kéo" thì RCEP sẽ là "thách thức đẩy" buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.
Báo cáo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) nhận định, áp lực đối với nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ gia tăng khi hiệp định chính thức có hiệu lực.
GIA TĂNG ÁP LỰC ĐỐI VỚI NHẬP SIÊU
Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu doanh nghiệp từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu.
Trong một kịch bản khác, doanh nghiệp ở các nước RCEP dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn. Thực tế nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.
Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu Việt Nam sang các nước RCEP tăng từ 44% năm 2010 lên 44,1% năm 2018, sau đó giảm còn 41,8% năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ khối RCEP trong tổng nhập khẩu thậm chí còn cao hơn, đạt tới 70,7% năm 2019 so với 67,4% năm 2010.
Trong giai đoạn 2009 – 2019, Việt Nam có xu hướng gia tăng thâm hụt thương mại với thị trường RCEP. Việt Nam có mức thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc, Trung Quốc và nhóm ASEAN. Số liệu thống kê cho thấy, thâm hụt thương mại với Trung Quốc liên tục tăng, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, và giảm dần từ năm 2016. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đặc biệt tăng nhanh từ năm 2015. Cụ thể, thâm hụt thương mại tăng trung bình ở mức 22,3%/năm giai đoạn 2010-2014, đã mở rộng lên 31,4%/năm trong giai đoạn 2015-2017 sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết năm 2015.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), hàm ý của gia tăng nhập siêu từ khu vực RCEP đối với mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề đáng lưu tâm. "Một mặt, gia tăng nhập siêu có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây. Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP có thể được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành xuất khẩu ở cả cấp chính sách và cấp doanh nghiệp", ông Dương cho biết.
NGUY CƠ CHUYỂN HƯỚNG THƯƠNG MẠI
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, tham gia RCEP cũng mang đến những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, một thách thức lớn đối với DN Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.
"Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và các Hiệp định ASEAN+1. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN", bà Trang nhấn mạnh.
Chẳng hạn, hiện nay theo hiệp định, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với mức thuế ưu đãi là khoảng 10%, trong khi đó, mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc là 15 - 20%. Hay như đối với sản phẩm da giày, Nhật Bản áp mức thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam, và 30% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
So với các thành viên trong khối, các doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn về quy mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng loạt, giao hàng hàng loạt, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.
Bên cạnh đó là những lo ngại về khả năng ngành nông, thủy sản trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP. Trên thực tế, Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản trong khi các nước ASEAN lại có sức cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản.
"Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức chuyển hướng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc khi các nước này mở cửa thị trường của mình cho Trung Quốc. Nếu tác động chuyển hướng thương mại lớn hơn so với tác động thúc đẩy tăng thương mại thì xét tổng thể sẽ đem lại kết quả tiêu cực với Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông, thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu 2 ngành này của Việt Nam lại tương đồng với các nước khác trong ASEAN, Trung Quốc, mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng tăng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh tăng giữa Việt Nam với các nước trong khối.
CẢI THIỆN NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Để hạn chế những thách thức trên khi RCEP đi vào thực thi, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá. Muốn vậy hàng hóa của Việt Nam phải cải thiện đồng thời nhiều tiêu chí, bao gồm giá, chất lượng, khả năng thực hiện đơn hàng lớn, giao hàng đúng thời hạn, kênh phân phối và khả năng phục hồi trước những thảm họa thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối hàng hoá trong nước, trong đó có cả các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư thuộc các nước RCEP và tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ ở thị trường RCEP; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại ở ngoài nước... Đặc biệt, khai thác lợi thế cạnh tranh phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm hàng hoá. Theo đó, vấn đề trọng tâm là phải phát triển đa dạng hoá sản phẩm, thường xuyên đổi mới để tăng sự hấp dẫn; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu...
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế, việc thực hiện RCEP phải gắn với 5 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cải cách đối với nền tảng kinh tế vĩ mô, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường và kinh doanh. Thứ hai, đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, gắn với tư duy định hướng, khả thi một số ngành cần ưu tiên phát triển. Thứ ba, hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư. Thứ tư, xử lý các điểm nghẽn hạ tầng và nguồn nhân lực trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp. Thứ năm, không kém phần quan trọng là phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19.