Cấm buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosate từ 1/7/2021
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ 1/7/2021, hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng tại Việt Nam...
Theo đó, mọi sản phẩm có chứa hoạt chất này đã được doanh nghiệp nhập khẩu về, nếu chưa sử dụng và bán hết, sẽ buộc phải tiêu hủy hết từ sau ngày nêu trên.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, thực hiện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để loại bỏ khỏi danh mục đối với các thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức con người, ảnh hưởng đến môi trường và có hiệu lực sinh học thấp (trong đó có thuốc trừ cỏ). Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế cũng như Công ước Rotterdam (Phụ lục III) về thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế, Việt Nam cũng đã và sẽ loại bỏ khỏi danh mục đối với các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đã được thế giới đồng thuận loại bỏ.
Từ năm 2017 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã rà soát, đánh giá để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét loại bỏ khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Trên thế giới, từ năm 2015, sau khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) – (WHO) công bố về khả năng gây ung thư của hoạt chất Glyphosate, hàng loạt các nước trên thế giới đã có các biện pháp quản lý chặt chẽ từ cấm, hạn chế hay kế hoạch giảm thiểu sử dụng để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Luxembourg là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cấm sử dụng Glyphosate, quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Tại Liên minh châu Âu (European Union-EU), Glyphosate hiện được chấp thuận sử dụng tại EU cho đến ngày 15/12/2022. Riêng nước Đức, ngày 10/2/2021, đã quyết định giảm dần việc sử dụng Glyphosate và ngừng sử dụng hoàn toàn từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và sinh thái. Nhiều nước ở Châu Mỹ (Brazil, Colombia, Mexico) tuyên bố ngừng sử dụng thuốc có hoạt chất Glyphosate để tiêu huỷ cây cần sa.
Tại Hoa Kỳ, Glyphosate chưa bị hạn chế hay cấm sử dụng rộng rãi trên toàn Hoa Kỳ nhưng đã có 26 bang tại nước này đã ra các quy định khác nhau về việc sử dụng Glyphosate từ hạn chế sử dụng, cấm sử dụng tại nơi công cộng, công viên, trường học, sân golf như California, Seattle, Portland, Maine, Austin, Texas, NewYork… Hiện một số tòa án địa phương tại Mỹ đã và đang xét xử một số vụ kiện liên quan đến công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong thành phần có chứa Glyphosate.
Glyphosate là thuốc trừ cỏ từng được sử dụng rất phổ biến, đa mục đích nhất tại Việt Nam, nhất là bị nông dân các tỉnh miền núi sử dụng một cách tràn lan, thậm chí còn được dùng để dọn cỏ dại ở các công trình giao thông đường bộ, đường sắt… nên nguy cơ ảnh hưởng rất nguy hại tới môi trường. Phần lớn hoạt chất Glyphosate được nhập khẩu từ Mỹ.
Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm dừng đăng ký các thuốc bảo vệ thực vật trong thành phần có chứa hoạt chất Glyphosate từ tháng 4/2016. Tuy nhiên, do có số khối lớn hoạt chất Glyphosate được các doanh nghiệp nhập về từ nhiều năm trước, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các doanh nghiệp tạm thời tiếp tục sử dụng.
Trong Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa ra quy định, các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo các quy định hiện hành.