16:18 06/09/2018

Cận thị học đường – làm sao để phòng tránh?

An Nhiên

Có một thực trạng báo động hiện nay là tỷ lệ trẻ em mắc các tật khúc xạ mắt đang ngày càng tăng cao, và dù công nghệ điều trị đã hiện đại, an toàn hơn trước nhưng độ tuổi cho phép phẫu thuật các tật khúc xạ phải là trên 18 tuổi. Vì thế, thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng làm sao để con đeo kính đúng độ và hạn chế tối đa việc tăng độ khúc xạ.


Số liệu tại Hội thảo "Tật khúc xạ học đường" do Dự án Viện mắt trẻ em tổ chức cho thấy, học sinh bị khúc xạ học đường tại Việt Nam chủ yếu bắt đầu từ 6 tuổi đến hơn 18 tuổi (chiếm hơn 70%) - chủ yếu học sinh trong độ tuổi phổ thông. Đây cũng là độ tuổi mà cận thị phát triển nhanh nhất. Theo các chuyên gia tật cận thị chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan và có thể phòng tránh được. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số ca mắc.
Cận thị học đường – làm sao để phòng tránh? - Ảnh 1.

Tật khúc xạ ở trẻ nhỏ xuất hiện ngày càng sớm hơn

Nhiều trường hợp giả cận thị TS.BS, Chuyên khoa Mắt, Phạm Thị Hằng, Bệnh viện mắt Quốc tế DND cho biết, tật khúc xạ ở trẻ nhỏ xuất hiện ngày càng sớm hơn, và độ khúc xạ khi phát hiện rất cao, có những bạn khi đi khám đã là 3-4 điop. Một việc sai lầm của bố mẹ là cho con đo kính ở các cửa hàng gần nhà chỉ mất 10 – 15 phút để có 1 cặp kính, tuy nhiên, với các bé, đặc biệt là các bé lần đầu tiên đeo kính, chúng ta nên cho con khám ở các bệnh viện chuyên khoa mắt, bởi vì có rất nhiều vấn đề trên tình trạng khúc xạ mắt của mỗi bé. Với tất cả độ cận trên 2 điop thì cần đeo đúng số, khi đeo kính không đúng số độ, mắt các bé phải điều tiết để nhìn rõ hơn sẽ có nguy cơ tăng số kính. Chúng ta không cắt quá số kính nhưng cần phải đảm bảo cho các con một thị lực tối đa. Đáng nói, hiện tượng giả cận thị ở trẻ em chiếm đến 20%, nếu không được thăm khám đầy đủ bệnh nhân sẽ cắt một cặp kính để đeo và bị cận thị do rối loạn điều tiết. Thực tế, có những bạn trong giai đoạn học thi, hay đọc sách, truyện tranh quá nhiều có thể gây ra tình trạng giả cận thị lên tới 2 – 3 điop nhưng khi khám bác sĩ tra thuốc điều tiết xong thì bệnh nhân hoàn toàn không cận thị.
Cận thị học đường – làm sao để phòng tránh? - Ảnh 2.

Những thực phẩm như cá, trứng, cà chua, cà rốt chứa nhiều vitamin A, B, E ... giúp cải thiện thị lực, phòng ngừa các bệnh nguy hiểm về mắt

Đối với các bé bị tật khúc xạ hai mắt lệch nhau, theo BS. Phạm Thị Hằng, ở trường hợp dưới 2 điop, các bé không cần phải đeo kính quá nhiều và quá thường xuyên, ví dụ khi học bài nhìn gần không cần đeo kính, khi nhìn xa và cần nhìn chi tiết thì đeo. Nếu như hai mắt mắc tật khúc xạ không đều có thể dẫn đến nhược thị, lác, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có một biện pháp nào chữa khỏi bệnh cận thị, trên thế giới họ cũng chỉ đang nghiên cứu. Các phương pháp mát-xa, bấm huyệt, đắp thuốc không chữa khỏi cận thị, nó chỉ đúng với trường hợp giả cận thị, hay do mắt điều tiết quá nhiều.
Cận thị học đường – làm sao để phòng tránh? - Ảnh 3.
Giải pháp phòng ngừa cận thị hiệu quả Một số nguyên nhân chính dẫn đến cận thị là chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng thiếu hợp lý, tư thế ngồi học không đúng, bàn học thiếu ánh sáng, trẻ em tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử…
Để hạn chế tăng độ cận, các chuyên gia nhãn khoa đưa ra những lời khuyên sau: - Sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý: Các bạn chỉ nên cho trẻ học tập, xem TV, chơi ipad, đọc sách… từ 45 phút đến 1 tiếng. Sau đó, các em cần nghỉ giải lao 10-15 phút bằng cách nhìn xa 6 m hoặc ra ngoài chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời để mắt thư giãn. - Nhắc nhở các em ngồi học đúng tư thế và ở nơi có đủ ánh sáng: Khi ngồi, cột sống phải vuông góc với ghế, hai tay để lên bàn và mắt cách vở 35-40 cm. Ánh sáng phải chiếu từ trên cao xuống và từ trái qua nếu các em thuận tay phải.
Cận thị học đường – làm sao để phòng tránh? - Ảnh 4.

Học sinh cần có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi

- Đeo kính đúng độ cận: Hiện nay ngoài thị trường có nhiều cửa hàng kính, phụ huynh thường dẫn các con đến đo mắt bằng máy khúc xạ để mua kính nhưng không phải tất cả trường hợp đều đúng. Vì vậy, các bạn cần đưa con em mình đến bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn chính xác. - Đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng để cung cấp đủ vitamin và dưỡng chất cần thiết cho mắt. Các bạn nên chọn thực phẩm tươi để chế biến và ăn ngay khi nấu xong để các vitamin trong thực phẩm không bị mất đi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng màn hình các thiết bị điện tử một ngày gần 10 giờ (dùng máy tính bảng 5 giờ 10 phút, điện thoại 2 giờ 40 phút, xem tivi 2 giờ). Việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ bị bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao tại Việt Nam.