16:40 26/05/2023

CEO Bvlgari: Động lực tăng trưởng từ mong muốn “ít hơn nhưng tốt hơn”

Minh Nguyệt

Giám đốc điều hành Jean-Christophe Babin cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng việc tập đoàn LVMH ghi nhận mức tăng trưởng hơn hai con số là nhờ việc "bán những giá trị gia tăng theo yêu cầu của khách hàng”...

CEO Jean-Christophe Babin cùng các đại sứ thương hiệu tại buổi ra mắt bộ sưu tập trang sức Mediterranea vào tuần trước. Ảnh: Business of Fashion
CEO Jean-Christophe Babin cùng các đại sứ thương hiệu tại buổi ra mắt bộ sưu tập trang sức Mediterranea vào tuần trước. Ảnh: Business of Fashion

Tại sao lĩnh vực xa xỉ tiếp tục tăng trưởng? Bởi vì khách hàng hiện tại sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Đó là quan điểm mà Giám đốc điều hành Bulgari Jean-Christophe Babin nói với tạp chí Business of Fashion. Ông cho rằng khách hàng giờ đây mong muốn và mua sắm "ít hơn nhưng tốt hơn”.

Phát biểu tại Venice trong buổi ra mắt bộ sưu tập trang sức cao cấp Mediterranea của Bvlgari vào tuần trước, ông Babin cho biết giá bán lẻ trung bình đang tăng ở tất cả các danh mục sản phẩm của thương hiệu, bao gồm trang sức, đồng hồ, nước hoa, phụ kiện và dịch vụ khách sạn. Và trong khi cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu đang đẩy chi phí lên cao, ông Babin khẳng định đây việc tăng giá không phải là lý do cho sự gia tăng doanh thu. Ông nói: “20% của mức tăng giá bán lẻ trung bình là do tăng để trang trải chi phí, 80% còn lại là do khách hàng có nhu cầu tự nhiên đối với sản phẩm chất lượng cao”.

“Khái niệm sang trọng hơn không chỉ là trang sức vàng có thêm kim cương, mà còn là phiên bản giới hạn được làm thủ công”, ông Babin nói thêm. “Thị hiếu khách hàng của chúng tôi không thay đổi. Chỉ là giờ đây họ thích một chiếc nhẫn Bvlgari được chế tác ở Ý chứ không phải ở nước khác, và một viên kim cương đi kèm với giấy chứng nhận rằng đã được khai thác có đạo đức”.

Tại sao lĩnh vực xa xỉ tiếp tục tăng trưởng? Bởi vì khách hàng hiện tại đang chi tiêu nhiều hơn.
Tại sao lĩnh vực xa xỉ tiếp tục tăng trưởng? Bởi vì khách hàng hiện tại đang chi tiêu nhiều hơn.

Bộ sưu tập Blvgari Mediterranean High Jewelry của Bvlgari, một tập hợp gồm hơn 400 món đồ trang sức cao cấp có một không hai, đã ra mắt tại Palazzo Ducale của Venice, dường như là minh chứng cho xu hướng này. Theo Bvlgari, 90 sản phẩm trong số đó mang thẻ giá lên đến bảy con số. Nhiều món đã được bán ngay khi ra mắt.

Lisa (Blackpink), Zendaya, Anne Hathaway, Priyanka Chopra và Lưu Diệc Phi đã cùng xuất hiện tại sự kiện này. Sự xuất hiện của dàn đại sứ thương hiệu hàng đầu đã mang tạo nên những khoảnh khắc lộng lẫy, thể hiện sự đầu tư và tâm huyết của hãng kim hoàn dành cho lần ra mắt bộ sưu tập mới này của mình.

Ông Babin dự đoán năm 2023 sẽ là “một năm kỷ lục khác” đối với thương hiệu. Ông nói: “Vào năm 2022, chúng tôi đã đạt được kỷ lục doanh số bán hàng trong tình trạng rất ít khách du lịch. Quý 1 năm nay, chúng tôi đã tăng tốc và trong quý này chúng tôi vẫn đang tăng tốc”.

Công ty mẹ LVMH không công bố kết quả tài chính cụ thể cho các thương hiệu của mình, nhưng vào tháng 4 vừa qua, tập đoàn này cho biết Bvlgari đã có “sự tăng trưởng mạnh mẽ” trong quý đầu tiên. Doanh số bán đồng hồ và đồ trang sức tăng 11%, nước hoa và mỹ phẩm, những mặt hàng chủ lực của Bvlgari cũng vậy. “Nếu chúng tôi tăng trưởng mạnh, điều đó có nghĩa là Tiffany cũng đang phát triển rất tốt,” ông Babin nói.

CEO Bvlgari: Động lực tăng trưởng từ mong muốn “ít hơn nhưng tốt hơn” - Ảnh 1
CEO Bvlgari: Động lực tăng trưởng từ mong muốn “ít hơn nhưng tốt hơn” - Ảnh 2
 

Giám đốc điều hành LVMH Antonio Belloni cho biết những người quay trở lại châu Âu chủ yếu là doanh nhân và những người giàu có. Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Agility Research & Strategy, Amrita Banta cũng thừa nhận, tuy du khách Trung Quốc đến những nơi như Paris và Milan chưa đông như trước đại dịch nhưng họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Giá trị giao dịch trung bình của các du khách Trung Quốc tại châu Âu trong tháng 3 vừa qua cao hơn 28% so với mức của năm 2019. Bà Banta cho biết thêm Richemont, chủ sở hữu thương hiệu Cartier, Hermes và LVMH, là những tập đoàn hưởng lợi nhiều nhất từ những người mua sắm giàu có ở Trung Quốc.

Nhưng ông Babin thừa nhận các cơn bão khủng hoảng đang xảy ra trên một số "mặt trận". Hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, Covid-19 và lạm phát đã tạo ra sự không chắc chắn và một số nỗi sợ hãi trong một nhóm người tiêu dùng giàu có. “Lãi suất tăng là một thách thức khác mà chúng tôi phải giải quyết vì tiền đắt hơn và các khoản vay khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi biết rằng ngay khi tỷ giá ổn định, Mỹ có khả năng phục hồi nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”, ông nói

Babin nhấn mạnh rằng sự thèm muốn của người Mỹ đối với hàng xa xỉ vẫn mạnh mẽ, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin rằng người Mỹ sẽ đi du lịch châu Âu và chi tiêu cho hàng xa xỉ vào mùa hè này. “Trong ngắn hạn, tình hình tài chính người tiêu dùng khiến mọi việc khó khăn hơn một chút. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản chúng ta phát triển hơn cả năm ngoái”, điều này là do ông tin rằng khách du lịch Trung Quốc sẽ sớm quay trở lại châu Âu và nước Mỹ sớm phục hồi.

Đồng thời, Bvlgari sẽ vẫn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của thương mại điện tử do ảnh hưởng của đại dịch. Ông Babin nói: “So với năm 2019, lưu lượng mua sắm tại các cửa hàng không như trước đây, nhưng số lượng khách hàng nhìn chung là như nhau nhờ sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch”.

Tuy nhiên, trong khi 30% doanh số kinh doanh nước hoa của Bvlgari đã chuyển sang trực tuyến, thì các danh mục khác vẫn chưa đạt được mức tương tự. Thương mại điện tử khá thứ yếu vẫn khó thuyết phục khi nói đến đồ trang sức và đồng hồ, vì mọi người không chỉ cần được cung cấp kích cỡ mà họ còn cần cảm nhận sản phẩm.

LVMH cho biết doanh thu Bvlgari đã có “sự tăng trưởng mạnh mẽ” trong quý đầu tiên của năm nay.
LVMH cho biết doanh thu Bvlgari đã có “sự tăng trưởng mạnh mẽ” trong quý đầu tiên của năm nay.

Riêng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn của Bvlgari, Babin cho biết ông đã chứng kiến ​​xu hướng tăng trưởng tương tự như các hạng mục khác. Vào ngày 9/6 tới đây, Bvlgari dự kiến ​​​​khai trương khách sạn thứ tám và là khách sạn đầu tiên tại thành phố quê hương Rome, sau các địa điểm London, Thượng Hải và Bali. Ông Babin cho biết: “Trong các khách sạn của chúng tôi, chúng tôi bán nhiều dãy phòng ở mức xa xỉ hơn so với phòng tiêu chuẩn. Bây giờ, mọi người nhận ra rằng cuộc sống có thể ngắn hơn dự kiến ​​và chúng ta nên được tận hưởng một cách trọn vẹn và tốt nhất”.

Babin cho biết ông tin rằng sự sang trọng phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi những thách thức kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Khi bạn nhìn vào vị trí kinh tế vĩ mô, địa chính trị, màu tổng thể là màu cam. Nhưng khi nói đến sự sang trọng, thực tế là nó có màu xanh lá cây”.

Thị trường hàng xa xỉ cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất ​​3 - 8% trong năm 2023, ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái. Đến năm 2030, giá trị thị trường này dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 550 - 570 tỉ euro, tăng 60% trở lên so với năm 2022. Thị trường hàng xa xỉ nói chung dự kiến ​​sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, theo Đài truyền hình CNBC .