08:52 09/06/2014

Chất vấn kỳ này: Thông lệ và “phá lệ”

Nguyên Thảo

Thủ tướng đã phân công Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, chiều 12/6 tới

Một phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2013 của Quốc hội.<br>
Một phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm 2013 của Quốc hội.<br>
Từ chiều 10/6, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ bắt đầu.

Danh sách 4 vị bộ trưởng chính thức đăng đàn đã được chốt, và các “tư lệnh” ngành ở vị trí chia lửa cũng đã ấn định.

Theo thông lệ, vào các phiên họp giữa năm của Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được Thủ tướng ủy quyền đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp.

Nhưng, cho đến ngày thứ Bảy của tuần qua, câu hỏi có nên “phá lệ” vẫn được đặt ra bên hành lang Quốc hội.

Là bởi, tổng hợp kết quả từ văn bản gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về danh sách người trả lời chất vấn, những nội dung chất vấn liên quan đến từng người trả lời chất vấn năm nay có khác mọi năm.

Đó là, có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời tại hội trường, nhất là về quan điểm, biện pháp giải quyết vấn đề biển đảo, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển nước ta.

Hồi âm ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, hoạt động đối ngoại của hệ thống chính trị nước ta đã thống nhất trong chỉ đạo đối với việc làm sai trái của Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu chính thức tại một số diễn đàn trong nước và quốc tế, gần đây nhất là tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Đồng thời, tại phiên họp đầu kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã có thông cáo nêu rõ quan điểm, chính kiến của Quốc hội ta về sự kiện trên.

Cũng theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ thường ủy quyền Phó thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giải trình làm rõ những vấn đề liên quan. Còn kỳ họp cuối năm có nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên “tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội sẽ trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ để bố trí chương trình chất vấn một cách phù hợp”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hứa.

Sáng 7/5, trao đổi với VnEconomy sau khi hồi âm trên đã đến với các vị đại biểu Quốc hội được hai ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thời là người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết mọi việc vẫn theo thông lệ.

Tức là, Thủ tướng đã phân công Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, chiều 12/6 tới.

“Mặc dù vậy nhưng nếu có nội dung nào Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chưa rõ, thì Thủ tướng vẫn sẵn sàng có ý kiến”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về những nội dung cụ thể tại đề nghị của đại biểu, ông Phúc cho rằng ở các diễn đàn gần đây Thủ tướng và Chính phủ đã phát biểu hết và đại biểu đã đủ thông tin để nắm toàn bộ quan điểm của Chính phủ về biển Đông.

“Theo cá nhân tôi thì nên để Phó thủ tướng đăng đàn kỳ này, còn Thủ tướng đăng đàn vào cuối năm thì tốt hơn”, ông Phúc nói.

Đồng tình là chưa có quy chế cứng thì việc Thủ tướng ủy quyền cho Phó thủ tướng trả lời cần được tôn trọng, song đại biểu Dương Trung Quốc và một số vị khác cho rằng khi Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn thì hiệu ứng xã hội sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đề nghị “phá lệ” nói trên, diễn biến quá trình chọn người trả lời chất vấn ở kỳ họp này cũng ghi nhận vài điểm nhấn khác.

Đó là, cả hai vị bộ trưởng các Bộ Y tế và Công Thương đều không có trong danh sách dự kiến để đại biểu lựa chọn, nhưng lại vẫn đứng đầu danh sách được đại biểu đề nghị bổ sung để trả lời chất vấn trực tiếp. Rồi cuối cùng vẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhiều lý do để đề nghị không bổ sung.

Điều này khiến một số vị đại biểu đã tâm tư từ kỳ trước nay lại càng thêm băn khoăn. Rằng tại sao không để đại biểu được tự do lựa chọn, rằng sao tâm lý thôn lần xã lượt vẫn tồn tại, cả ở thảo luận và chất vấn trước nghị trường?.

Kỳ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không nhận được chất vấn nào bằng văn bản, tính đến chiều 2/6/2014. Trong khi ở kỳ họp thứ sáu có 8 vị đại biểu gửi chất vấn đến ông và các kỳ trước nữa cũng đều có.

Đây, cũng lại là một điểm nhấn, theo một số vị đại biểu Quốc hội.