09:48 27/06/2013

“Chênh lệch giá vàng chưa có dấu hiệu giảm”

Nguyên Trang

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm

<strong> </strong>Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế
<strong> </strong>Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế
Nhiều kết quả của chính sách tiền tệ đã được thể hiện, song hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế.

Đó là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều hành chính sách tiền tệ trong 2 quý đầu năm nay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, sáng 27/6.

Báo cáo do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tốc độ tăng huy động vốn và cho vay từng bước được cải thiện, thanh khoản của toàn hệ thống khá ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng, sau khi giảm trong tháng 1/2013, đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 đến nay. Việc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ hỗ trợ giải quyết nợ xấu, tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh lưu chuyển dòng vốn của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Cùng với đó là tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ góp phần tăng quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước đáp ứng nhu cầu ngoại tệ 12 tuần nhập khẩu; kinh doanh vàng đang dần đi vào hoạt động ổn định hơn so với trước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao (khoảng 5-6 triệu đồng/lượng) và chưa có dấu hiệu giảm. Lãi suất tuy có giảm nhưng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn chưa giảm nhiều, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Tín dụng đối với nền kinh tế có cải thiện song tốc độ tăng vẫn ở mức thấp so với nhu cầu phát triển.

Tính đến ngày 20/6/2013, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng khoảng 7,1% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 7,51%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng khoảng 8,18%. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng khoảng 3,31%.