08:42 19/05/2025

Cách mạng thực phẩm xanh từ thói quen tái chế

Băng Hảo

Hệ thống thực phẩm toàn cầu đang chịu áp lực kép: vừa phải bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng dinh dưỡng; vừa phải giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có rất nhiều các loại rác thải thực phẩm đangbị vứt bỏ hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trên toàn thế giới. Báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2024 cho thấy hơn 13% thực phẩm thất thoát trong chuỗi cung ứng sau khi thu hoạch tại các trang trại và trước khi bán lẻ trên toàn cầu. Lãng phí thực phẩm trong khu vực bán lẻ, ngành dịch vụ ăn uống và hộ gia đình là 19%.

Theo một báo gần đây, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam hiện đang xếp vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP. Không chỉ gây áp lực cho môi trường, vấn đề này còn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên nông nghiệp, vốn đã bị giảm sút bởi sự suy giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ THI

Với sự phát triển của công nghệ, hướng đi hiện nay của các nhà khoa học là tìm cách biến rác thải thực phẩm như vỏ cây, vỏ hạt, phế phẩm trong sản xuất thực phẩm được phơi khô, lên men làm thức ăn cho động vật, gia súc, gia cầm một cách đầy dinh dưỡng và mang đến giá trị lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã hướng đến việc tận dụng rác thải thực phẩm để tạo thành những nhiên liệu sinh học như khí ga, thu hồi ethanol để sử dụng trong sản xuất...

Bài báo mang tên “Những nhà tiên phong trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm” do Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu công bố đầu năm 2025, nhận định Hàn Quốc là quốc gia nổi bật với các luật nghiêm ngặt về lãng phí thực phẩm, trong đó có hệ thống PAYT (trả tiền cho mỗi lần vứt) cùng với lệnh cấm vứt bỏ thực phẩm ở các bãi chôn lấp. Nhờ đó, nước này tái chế hơn 95% rác thực phẩm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc năng lượng sinh học.

Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon là một trong khoảng 300 cơ sở tái chế rác thải thực phẩm tại Hàn Quốc. Những cơ sở này cho phép Hàn Quốc tái chế gần như toàn bộ 15.000 tấn rác thải thực phẩm hàng ngày. Ở phạm vi hộ gia đình, máy xử lý chất thải thực phẩm, còn gọi là “eumcheogi” trong tiếng Hàn, đang nhanh chóng trở thành sản phẩm phải có sau robot hút bụi, máy rửa chén và máy sấy quần áo. Theo nền tảng nội thất và gia đình Today’s House, số lượt tìm kiếm “eumcheogi” vào năm 2024 đã tăng 140,1% so với năm 2022.

Cách mạng thực phẩm xanh từ thói quen tái chế - Ảnh 1

Thực tế, tái chế rác thực phẩm là việc đang được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện để bảo vệ môi trường. Tại Thụy Điển, việc này thậm chí còn được luật hóa. Theo đó, rác thực phẩm phải được phân loại riêng để mang đi tái chế, việc này áp dụng với cả hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bà Stina Hedstrom, điều phối viên Công ty Dịch vụ rác thải Vatten Och Avfall, cho biết: “Rác thực phẩm khi được tái chế sẽ có vòng đời mới. Nó có thể là khí sinh học và phân bón sinh học”.

Mới đây nhất, Công ty năng lượng JFE Engineering và các tập đoàn lớn trong ngành ẩm thực Nhật Bản đã hợp tác trong lĩnh vực phát điện bằng khí sinh học từ thực phẩm thừa. Hệ thống sẽ thu hồi nhiên liệu từ thức ăn thừa tại các nhà hàng để phát điện, sau đó bán điện có nguồn gốc nguồn năng lượng tái tạo này cho các cửa hàng. Một chu trình “phát điện từ thực phẩm thừa” sẽ được xây dựng, bao gồm từ thu gom chất thải thực phẩm đến phát điện tái tạo và cung cấp điện.

Tham gia vào sáng kiến phát điện từ thực phẩm thừa do JFE Engineering dẫn dắt, có các doanh nghiệp như Akindo Sushiro, Aleph, Royal Holdings, Monogatari Corporation... Các công ty này sẽ bắt đầu thu gom chất thải thực phẩm tại một số nhà hàng và nhà máy từ nay đến cuối năm tài chính 2025, sau đó dần mở rộng số lượng cửa hàng tham gia. Nếu toàn bộ các nhà hàng trong nước của 4 công ty này cùng tham gia, đồng nghĩa sẽ có khoảng 2.300 cửa hàng tận dụng hiệu quả thức ăn thừa.

Trong khi đó, phong trào ủ phân hữu cơ ở cấp cơ sở đang nổi lên khắp Singapore, từ công viên, vườn tược đến hành lang và ban công trong các ngôi nhà. Khoảng 24 nhóm hoạt động độc lập ở Singapore sử dụng các phương pháp ủ phân hữu cơ bằng nhiệt hiếu khí, kết hợp phế liệu thực vật, bã cà phê, vỏ trái cây và lòng cá được thu thập từ gia đình, chợ và các nhà bán lẻ thực phẩm. Phân trộn sau đó được phân phối cho người làm vườn hoặc được sử dụng để hồi sinh chính không gian xanh nơi nó được sản xuất...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025 phát hành ngày 19/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cách mạng thực phẩm xanh từ thói quen tái chế - Ảnh 2