09:16 12/06/2008

Chính phủ Hàn Quốc đối mặt nhiều thách thức

Trung Việt

Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt nhiều thách thức: lạm phát gia tăng, đời sống người dân khó khăn, khiến họ mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo

Các cuộc biểu tình rầm rộ đã khiến cho uy tín của Tổng thống Lee Myung-bak và Chính phủ Hàn Quốc xuống thấp.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã khiến cho uy tín của Tổng thống Lee Myung-bak và Chính phủ Hàn Quốc xuống thấp.
Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt nhiều thách thức: lạm phát gia tăng, đời sống người dân khó khăn, khiến họ mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo; làn sóng biểu tình của dân chúng đang dâng cao, đòi Tổng thống và Thủ tướng phải từ chức.

Trong cuộc họp với Tổng thống Lee Myung-bak hôm 10/6, Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung-soo cho biết, ông và các thành viên nội các xin từ chức để chịu trách nhiệm về vấn đề tái nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Chính trường Hàn Quốc chao đảo

Tuy nhiên, người phát ngôn Phủ tổng thống Lee Dong-kwan khẳng định, nội các hiện nay sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Tổng thống bổ nhiệm các bộ trưởng mới để tránh khoảng trống nhân sự trong quá trình điều hành nhà nước. Dự kiến Tổng thống Lee Myung-bak sẽ thay thế khoảng 4 hoặc 5 bộ trưởng. Một số nghị sỹ của đảng Đại dân tộc đang hối thúc Tổng thống bổ nhiệm cựu Chủ tịch đảng Đại dân tộc Park Geun-hye vào vị trí thủ tướng.

Tình hình bất ổn tại Hàn Quốc nổi lên trong tuần qua do làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ. Hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, họ giơ cao các khẩu hiệu đòi Thủ tướng Han Seung-soo và Tổng thống Lee Myung-bak từ chức.

Cục Cảnh sát quốc gia đã được đặt trong tình trạng báo động A, mức báo động chỉ được đưa ra khi có mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh công cộng. Khoảng 37.000 cảnh sát chống bạo động đã được huy động để đối phó với các cuộc biểu tình.

Hưởng ứng làn sóng phản đối của dân chúng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã cam kết tẩy chay việc nhập khẩu thịt của bò trên 30 tháng tuổi từ Mỹ. Ngày 9/6, các nghị sỹ của đảng cầm quyền Đại dân tộc đã phải sang Mỹ để thảo luận vấn đề nhập khẩu thịt bò; bày tỏ mối lo ngại của người dân Hàn Quốc về độ an toàn của thịt bò Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Lee Myung-bak đã điện đàm với Tổng thống Mỹ George Bush và đề nghị Mỹ ngừng xuất khẩu thịt của bò trên 30 tháng tuổi để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng Hàn Quốc.

Các cuộc biểu tình rầm rộ đã khiến cho uy tín của Tổng thống Lee Myung-bak và Chính phủ Hàn Quốc xuống thấp, buộc tất cả 8 thư ký cấp cao của Tổng thống phải nộp đơn xin từ chức ngày 6/6. Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng này còn có nguy cơ lan rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác của Hàn Quốc.

Kinh tế khó khăn, Chính phủ mất uy tín

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng biểu tình, bạo loạn ở Hàn quốc tuần qua là do những khó khăn kinh tế đã khiến người dân mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo đất nước.

Sau hơn 3 tháng cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Lee Myung-bak cùng Chính phủ đã xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 20%. Đa số dân Hàn Quốc cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%/năm mà Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra từ hồi tranh cử là không hiện thực. Tình trạng lạm phát cao đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Hàn Quốc.

Tháng 5 vừa qua, tỷ lệ tăng giá đã lên đến 4,9%-mức cao nhất 7 năm qua. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn siêu lạm phát, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, quý 1/2008, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc đã giảm 1,2% so với quý trước đó. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OEDC) dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 4,3%. Trong khi Ngân hàng Thế giới cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2008 từ 5% xuống còn 4,6%.

Khi Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền, dân chúng Hàn Quốc đặt hy vọng nhiều vào tài năng và kinh nghiệm kinh doanh của ông sẽ đưa kinh tế Hàn Quốc cất cánh. Tuy nhiên, họ đã thất vọng khi tình hình kinh tế đang xấu đi và kết tội Chính phủ mới điều hành yếu kém.

Nhằm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục uy tín, Chính phủ Hàn Quốc vừa đưa ra một loạt biện pháp cấp bách. Ngày 8/6, Chính phủ quyết định dành 10,3 tỷ USD hỗ trợ những người có thu nhập thấp đang chịu ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao; giảm thuế các loại dầu, cải thiện môi trường kinh doanh...

Theo hãng KBS, chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung vào mục tiêu ổn định giá cả hơn là tăng trưởng kinh tế. Hiện Chính phủ đang để ngỏ khả năng sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay.