19:06 05/05/2021

Chính phủ họp phiên thường kỳ đầu tiên sau kiện toàn, thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Tiến Dũng

Phiên họp tập trung nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4/2021. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận 8 nội dung, bao gồm một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống Covid-19 với những diễn biến khó lường tại nhiều địa phương.

Chính phủ cũng thảo luận công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong tháng này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nghe và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021...

PHÒNG CHỐNG DỊCH: HÀI HÒA GIỮA PHÒNG NGỰ VÀ TẤN CÔNG

Tại phiên họp, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Chính phủ ưu tiên xem xét đầu tiên tại phiên họp. Đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất nhận định Việt Nam đã kiểm soát được tình hình, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn rất lớn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thủ tướng lưu ý tình hình hiện nay tương đối phức tạp khi số ca nhiễm và tử vong trên thế giới tiếp tục tăng, việc nhập cảnh và cư trú trái phép có xu hướng tăng thời gian qua. Đặc biệt, trong nước xuất hiện tâm lý chủ quan, cư lơ là và mất cảnh giác tại một số địa phương, trong đó công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly còn bất cập. Bên cạnh đó, biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.

 

"Chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Tinh thần là chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”,

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19.

"Phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn", Thủ tướng Chính phủ quán triệt.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.  

Với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

"Tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài" và 'Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã'", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. "Cần đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch vừa qua để kế thừa, phát huy những cái tốt, những cái gì đã làm được nhưng phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới về công tác phòng chống dịch".

Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các giải pháp bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 phù hợp, hiệu quả, tránh cực đoan, nhưng cũng tránh lơ là, chủ quan.

“Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

TIẾP TỤC PHỤC HỒI KINH TẾ NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU RỦI RO

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay, Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng 0,04% trong tháng 4 - thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29.5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính đến ngày 20/4, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ. An sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, cơ bản có bước cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ năm 2020 được triển khai tốt;… 

Tuy nhiên, Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch Covid-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

Chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số nhưng chưa thể yên tâm; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; an ninh trật tự nổi lên vấn đề nhập cảnh, lưu trú trái phép, cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định… . Đây là những vấn đề phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

“Bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng, đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Để đạt được "mục tiêu kép:, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần ưu tiên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông để phát huy các nguồn lực ở các khu vực này, phải quyết tâm đầu tư vào đây theo hướng huy động nguồn vốn xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và đề xuất biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiệu quả, thiết thực. Phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phiên họp cũng tập trung thảo luận dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, theo hướng “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện, Thủ tướng quán triệt.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - dự kiến trình Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/5.

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, bảo đảm an toàn về mọi mặt. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có các kịch bản phù hợp với mọi tình huống.