20:09 14/08/2023

Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tránh tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm

Khánh Vy

Trước thực trạng việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật còn yếu, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật….

Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản... bằng các hình thức phù hợp.
Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản... bằng các hình thức phù hợp.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập.

XEM XÉT SỰ PHÙ HỢP CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỚI THỰC TIỄN

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt các nội dung.

Trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình.

Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu.

Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp.

Rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triến khai thực hiện.

Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do bộ, ngành, địa phương quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản.

Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

Nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.  

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Thi hành pháp luật phải hiệu quả, chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.
Thi hành pháp luật phải hiệu quả, chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC XỬ LÝ DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc xử lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, tài liệu, báo cáo, văn bản đề xuất khác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phân cấp, phân quyền phù hợp; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định của Quy chế để bảo đảm tiến độ ban hành văn bản.

Tăng cường kiểm tra hồ sơ, tài liệu dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tham mưu, giúp Chính phủ trong việc chuẩn bị các Nghị quyết của Chính phủ chỉ đạo về chính sách trong các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại các phiên họp theo hướng chỉ đạo rõ về các chính sách, các nội dung phải chỉnh lý, tiếp thu để các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mẳc liên quan đến việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế.

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, cương quyết không đưa vào Chương trình những dự án, dự thảo không đầy đủ hồ sơ, tài liệu hoặc không đảm bảo chất lượng; hạn chế việc lùi, rút trình các dự án luật, pháp lệnh; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Phối hợp với cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu để đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tập trung nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng và quy trình thẩm định; ý kiến thẩm định phải rõ, cụ thể, phải khẳng định dự án, dự thảo đủ điều kiện hay không đủ điều kiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.

Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp dưới thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, soạn thảo, trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương mình.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng ưu tiên, bố trí đầy đủ các nguồn lực về kinh phí và biên chế được phân bổ cho địa phương để đảm bảo, nâng cao chất lượng cho công tác xây dựng thể chế và theo dõi thi hành pháp luật.