Chịu nhiều áp lực, giá dầu sụt hơn 4% tuần này
Giá dầu thế giới phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thị trường chứng khoán Mỹ chuyển “xanh”
Giá dầu thế giới phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thị trường chứng khoán Mỹ chuyển "xanh" sau hai phiên bán tháo. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn sụt 4%, do dữ liệu về sự gia tăng nguồn cung cộng thêm những dự báo bất lợi về nhu cầu.
"Vẫn còn đó những rủi ro từ xung đột ở Trung Đông và sự gián đoạn sản lượng ở một số nơi. Tuy nhiên, sản lượng dầu tăng lên của Mỹ, Saudi Arabia và Nga nhiều khả năng sẽ giữ cho thị trường đủ cung một cách hợp lý", chiến lược gia trưởng về đầu tư Rob Haworth thuộc US Bank nhận định với trang MarketWatch.
Theo ông Haworth, một nhân tố khác ghìm giá dầu ở thời điểm hiện nay là "nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, một vấn đề có thể khiến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi".
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) tăng 0,37 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 71,34 USD/thùng. Giá dầu Brent trên sàn ICE Futures Europe ở London tăng 0,17 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, đạt mức 80,43 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm khoảng 4%, trong khi giá dầu Brent mất khoảng 4,4%.
Đây là tuần giảm đầu tiên trong vòng 5 tuần của cả dầu WTI và dầu Brent. Trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, giá dầu "bốc hơi" khoảng 5% theo đà sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán toàn cầu. Khi chứng khoán thế giới phục hồi vào ngày thứ Sáu, giá dầu cũng tăng theo.
MarketWatch cho biết các dữ liệu về sản lượng hiện đang là nhân tố tác động nhiều nhất đến diễn biến giá dầu.
Báo cáo hàng tháng do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) công bố hôm thứ Năm cho thấy sản lượng khai thác dầu của OPEC và Nga cùng tăng trong tháng 9, với mức tăng thừa để bù đắp sự suy giảm sản lượng dầu của Iran trước khi Mỹ tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của Tehran.
Vào đầu tuần, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tăng dự báo sản lượng dầu nước này.
Ngoài ra, báo cáo của OPEC còn hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới. Đây là tháng thứ ba liên tiếp OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu.
Ngày thứ Sáu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thể hiện sự đồng tình với quan điểm của OPEC, nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng với tốc độ chậm hơn so với dự kiến trong năm nay và năm tới, trong bối cảnh những rủi ro kinh tế xuất phát từ căng thẳng thương mại và giá dầu tăng.
"Lý do chính dẫn tới những dự báo về sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ dầu là áp lực lớn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu", nhà phân tích Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM Oil Associates nhận xét. "Áp lực đó bao gồm căng thẳng thương mại gia tăng, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, và biến động tại các thị trường mới nổi".
Cũng về nguồn cung, EIA hôm thứ Năm cho biết tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/10 tăng 6 triệu thùng, một mức tăng vượt xa dự báo.
Một dữ liệu khác gây áp lực giảm lên giá dầu là báo cáo ngày thứ Sáu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy sau 3 tuần giảm, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã tăng thêm 9 giàn trong tuần này, đạt 896 giàn.