Chủ tịch VCCI: “Tôi thực sự thất vọng!”
Tình trạng "ông chẳng bà chuộc" của nhiều quy định trong các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh
"Tôi thực sự thất vọng!", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói khi thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật tại Quốc hội, sáng 26/7.
Sự thất vọng của ông Lộc là bởi, chương trình đã không có nội dung xem xét thông qua luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lý của mình khi nói rằng hồ sơ dự án luật chưa có nên chưa có đủ cơ sở đưa vào chương trình, nhưng điều đáng nói là trong cả tờ trình cũng không đề cập tới yêu cầu giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ dự luật này để trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Mặc dù, việc xem xét thông qua một dự luật quan trọng như vậy đang là yêu cầu rất cấp bách hiện nay", ông Lộc phân tích.
Luật chẳng giống ai
Theo Chủ tịch VCCI, dự án luật này cấp bách, bởi lẽ vẫn đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tình trạng "ông chẳng bà chuộc" của nhiều quy định trong các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh được Chủ tịch VCCI khái quát: Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được thiết kế theo phương án chọn - bỏ, trong khi luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn - cho. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư bảo hậu kiểm, nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật Đầu tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ ngành đẻ ra giấy phép. Luật Doanh nghiệp nói doanh nghiệp không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho cơ quan Nhà nước....
Chỉ qua rà xét bước đầu, ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng…, ông Lộc cho biết.
Chủ tịch VCCI cũng nêu nhiều con số đáng chú ý khác. Như, mới xem xét trong phạm vi trong 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật,
"Thú thực, so với ASEAN và quốc tế thì một số quy định của pháp luật ở ta chẳng giống ai. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phi kinh doanh cao (cả chi phí chính thức và phi chính thức), buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh…", ông Lộc phát biểu.
Đề cập vấn đề rất thời sự về điều kiện kinh doanh, Chủ tịch VCCI nêu rõ, chỉ riêng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Vì, các ngành nghề kinh doanh kể trên không thực sự cần thiết vì không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp, không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi, nhưng Chính phủ vẫn cứ phải thể chế hóa bằng các nghị định chỉ bởi vì đã được ghi trong luật.
Vượt "quyền anh, quyền tôi"
Với sự cần thiết như nêu trên, ông Lộc đề nghị đạo luật một luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh nên được đưa ra xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vào tháng 10, tháng 11 sắp tới.
Nhấn mạnh quá trình sửa đổi pháp luật về doanh nghiệp và kinh doanh là một quá trình liên tục, Chủ tịch VCCI đề nghị, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, nên có “xếp nốt” cho việc ban hành một đạo luật như vậy nếu phát hiện môi trường kinh doanh “có vấn đề” và các điều bất hợp lý, cần sửa đổi đã bộc lộ rõ.
Nếu chỉ sửa đổi một, hai điều cần thiết thôi thì cũng nên làm để có thể giải tỏa ngay được những ách tắc trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI, rất cần có tư duy mới, linh hoạt trong chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật vì Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần chậm lại một kỳ họp Quốc hội, tức là chậm thêm 6 tháng, có thể mất đi cơ hội và niềm tin của người dân, cản trở tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm tới nửa năm kế hoạch.
Đấy thực sự là một sự lãng phí lớn trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhắc lại quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo với chức năng trung tâm là xây dựng thể chế của Thủ tướng ông Lộc cũng bày tỏ tin tưởng Chính phủ khóa 14 sẽ sẵn sàng và các bộ, ngành sẽ vượt lên “quyền anh, quyền tôi” để đẩy mạnh cải cách thể chế.
Đề xuất của đại biểu Lộc cũng nhận được sự đồng tình của một số vị khác tại phiên thảo luận.
Mới có đề nghị, chưa có hồ sơ
Mới có đề nghị, chưa có hồ sơ
Ở vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, về dự án mà ông Lộc đề cập, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất kỹ.
Nhưng Chính phủ mới có đề nghị mà chưa có hồ sơ, theo luật. Uỷ ban rất tán thành với chủ trương của Chính phủ, nhưng mà muốn sửa thì phải phân tích rõ lý do, đánh giá tác động, Phó chủ tịch nói.
Theo Phó chủ tịch, Uỷ ban Thường vụ đã đề nghị Chính phủ rà soát, trình dự án luật đúng quy định, nếu đủ điều kiện thì sẽ bổ sung vào chương trình xây dựng luật của năm nay.
"Như vậy không phải là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý, mà phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định", Phó chủ tịch hồi âm.