15:27 01/07/2019

Chứng khoán châu Á tăng mạnh nhờ Mỹ-Trung “đình chiến” thương mại

Bình Minh

Tuy nhiên, giới đầu tư đang giảm đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có FED, nới lỏng chính sách tiền tệ

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong phiên ngày 1/7.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong phiên ngày 1/7.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần vừa rồi nhất trí nối lại đàm phán thương mại.

Trong khi đó, giá trái phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng do giới đầu tư giảm đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ. Tỷ giá đồng USD vững lên, giá dầu thô tăng mạnh trong khi giá vàng sụt sâu.

Kết quả cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "có vẻ như là một thắng lợi nho nhỏ dành cho Trung Quốc, và có ý nghĩa tích cực trong ngắn hạn đối với các tài sản rủi ro. Tuy nhiên, kết quả này không nằm ngoài dự báo", chuyên gia kinh tế Richard Franulovich của Westpac nhận xét.

"Kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, khả năng này giảm nhiều hơn đối với cuộc họp chính sách vào tháng 7 của FED nếu so với năm tới", ông Franulovich nói thêm. "Một đợt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm có vẻ là điều rất khó xảy ra".

Trong cuộc gặp diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 29/6, ông Trump và ông Tập nhất trí tạm dừng việc áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau và nối lại đàm phán thương mại. Ngoài ra, Mỹ sẽ nới lỏng hạn chế đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, còn Trung Quốc sẽ tăng mua hàng nông sản Mỹ.

Giới đầu tư toàn cầu thở phào vì chí ít, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tránh được việc áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 2,1%, đạt mức cao nhất 2 tháng. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,5%.

Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc tăng 2,6%, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.

Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc là hai trong số ít những thị trường ở khu vực châu Á giảm điểm phiên này, với mức giảm hạn chế.

Giá lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - một tài sản được xem là "vịnh tránh bão" - giảm xuống, khiến lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 0,04 điểm phần trăm, đạt 2,04%.

Lãi suất tương lai cho thấy khả năng FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm rong tháng 7 chỉ còn 15%, so với khả năng gần 50% cách đây 1 tuần.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết và khả năng hai bên đi đến một thỏa thuận cuối cùng vẫn còn bấp bênh. Kết quả hai cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Trung Quốc đang suy giảm.

Trong đó, chỉ số PMI của Trung Quốc giữ ở mức 49,4 điểm trong tháng 6, thấp hơn dự báo. Chỉ số Caixin/Markit PMI giảm xuống mức 49,4 điểm, thấp nhất kể từ tháng 1.

Kết quả khảo sát tương tự của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho thấy sự giảm tốc của ngành sản xuất.

Đồng USD tăng giá 0,4% so với một đồng tiền an toàn là đồng Yên Nhật, đạt 1 USD "ăn" 108,29 Yên.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,4%, đạt 96,52 điểm.

Giá vàng thế giới có lúc rớt 1,5%, còn chưa đầy 1.390 USD/oz. Giá dầu thô WTI giao sau có lúc tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng hơn 2%, đạt 59,9 USD/thùng.