07:37 26/10/2023

Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lợi suất trái phiếu leo thang trở lại, giá dầu tăng 2%

Bình Minh

“Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có cả tốt lẫn xấu, gây ra một số lo lắng, nhưng vấn đề thực sự của thị trường bây giờ vẫn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không hề có dấu hiệu suy yếu”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (25/10), khiến chỉ số S&P 500 giảm xuống dưới một ngưỡng chủ chốt, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trở lại và công ty mẹ của Google công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng. Trong khi đó, mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đưa giá dầu hồi lại mốc 90 USD/thùng sau 3 phiên giảm liên tiếp.

Lúc đóng cửa, S&P 500 sụt 1,43%, còn 4.186,77 điểm. Giới phân tích cho rằng việc chỉ số đóng cửa dưới mốc 4.200 điểm là một chỉ báo kỹ thuật đáng lo ngại. Từ tháng 5 tới nay, chưa khi nào thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall giảm dưới mốc này.

Chỉ số Dow Jones giảm 105,45 điểm, tương đương giảm 0,32%, còn 33.035,93 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,43%, còn 12.821,22 điểm, đánh dấu phiên sụt mạnh nhất kể từ hôm 21/2 - ngày mà chỉ số chốt phiên với mức giảm 2,5%.

Cổ phiếu Alphabet, “gã khổng lồ” công nghệ với công ty hạt nhân là công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google, chứng kiến giá cổ phiếu sụt hơn 9% trong phiên này. Báo cáo tài chính quý 3 của Alphabet cho thấy kết quả kinh doanh ở mảng điện toán đám mây không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Điều này khiến nhà đầu tư mất vui ngay cả khi doanh thu của Alphabet tăng trưởng mạnh và lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.

Cú giảm của cổ phiếu Google là nguyên nhân chính khiến nhóm dịch vụ truyền thông thuộc S&P 500 giảm 5,9%. Một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác “vạ lây”, như Apple giảm 1,3% và Amazon giảm 5,6%. Riêng cổ phiếu Microsoft “ngược dòng” bán tháo cổ phiếu công nghệ trong phiên này, chốt phiên với mức tăng 3% sau khi công ty đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.

Dù mùa báo cáo tài chính đang ở những ngày cao điểm, nhà đầu tư tiếp tục dành sự quan tâm lớn cho diễn biến trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, trong bối cảnh lợi suất - dù đã giảm trong mấy phiên gần đây - vẫn duy trì gần mức đỉnh của 16 năm. Phiên ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm gần 11 điểm cơ bản, lên mức 4,95%. Đầu tuần này, lợi suất của kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 5%, cao nhất kể từ năm 2007, khiến nhà đầu tư lo lắng và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

“Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết đang chiếm lĩnh dòng thông tin trên thị trường, nhưng tôi cũng không thể rời mắt khỏi thị trường trái phiếu. Chúng tôi chưa từng khi nào thấy lợi suất tăng mạnh như gần đây kể từ năm 1982, và điều đó sẽ mang tới vấn đề cho cổ phiếu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định với trang CNBC.

Trong số các doanh nghiệp thành viên S&P 500, đến nay đã có 29% công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Trong số đó, có 78% đạt lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng. Giới phân tích đang dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 đạt bình quân 2,6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức dự báo tăng 1,6% đưa ra hồi đầu tháng.

“Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có cả tốt lẫn xấu, gây ra một số lo lắng, nhưng vấn đề thực sự của thị trường bây giờ vẫn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không hề có dấu hiệu suy yếu”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của công ty Carson Group nói với hãng tin Reuters.

“Nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh, và đó có thể là một trong những lý do chính khiến lợi suất tiếp tục tăng. Thị trường trái phiếu có vẻ đang ‘ngửi’ thấy một nền kinh tế khởi sắc trong thời gian tới”, ông Detrick phát biểu.

Triển vọng kinh tế khả quan như vậy lẽ ra phải hỗ trợ giá cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư lo ngại rằng chừng nào kinh tế còn chưa giảm tốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài sẽ đặt ra thách thức đối với nền kinh tế trong dài hạn.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,06 USD/thùng, tương đương tăng 2,34%, chốt ở 90,13 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,65 USD/thùng, tương đương tăng 1,97%, chốt ở 85,39 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm vào đầu phiên, nối tiếp xu hướng giảm từ đầu tuần, nhưng đảo chiều sau khi xuất hiện thông tin cho thấy căng thẳng ở dải Gaza nóng lên.

Israel tăng cường ném bom khu vực phía Nam của dải Gaza và bạo lực bùng phát rải rác ở một số nơi khác tại Trung Đông. Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel nói nước này đang chuẩn bị mở chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Gaza - Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng 1,4 triệu thùng trong tuần qua, đạt 421,1 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 24.000 thùng mà giới phân tích đưa ra.

Mấy tuần gần đây, châu Âu liên tục phát đi các số liệu kinh tế xấu hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế khu vực eurozone có thể đang rơi vào suy thoái. Ngày thứ Năm, số liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại ở eurozone gần như ngưng trệ trong tháng 9.

Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin duy trì xu hướng tăng. Lúc hơn 7h sáng nay (26/10) theo giờ Việt Nam, giá bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức 34.560 USD/bitcoin, tăng 1,9% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 7 ngày trở lại đây, giá bitcoin đã tăng gần 22%.