08:10 24/08/2023

Chứng khoán Mỹ xanh rực, VFS tăng liền 3 phiên, giá dầu tiếp tục đi xuống

Bình Minh

Phiên này, nhà đầu tư ăn mừng vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang sau nhiều ngày tăng liên tục...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/8), trong bối cảnh nhà đầu tư đợi báo cáo tài chính quý 2 của Nvidia - hãng sản xuất con chip giữ vị trí trung tâm trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall. Ngoài ra,  việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng mang lại sự phấn khởi cho nhà đầu tư.

Dù vậy, giá dầu thô có thêm một phiên giảm vì thị trường tiếp tục lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu có thể kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 184,15 điểm, tương đương tăng 0,5%, đạt 34.472,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, chốt ở 4.436,01 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 30/6. Chỉ số Nasdaq tăng 1,6%, đạt 13.721,03 điểm, đưa chuỗi phiên tăng hiện có lên 3 phiên.

Theo dự kiến, Nvidia sẽ công bố kết quả quý 2/2023 vào ngày thứ Tư sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Các nhà phân tích được công ty dữ liệu Refinitiv khảo sát dự báo công ty này đạt tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ báo cáo tài chính của Nvidia được thị trường chờ đợi bởi đây là cổ phiếu thành viên S&P 500 có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ đầu năm đến nay, với mức tăng đã lên tới hơn 200%, nhờ sự đặt cược mạnh mẽ của nhà đầu tư vào công nghệ AI.

Từ báo cáo tài chính của Nvidia, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về việc liệu xu hướng AI có xung lực để tiếp diễn hay không. Nếu không, xu hướng giảm điểm từ đầu tháng tới này của thị trường có thể tiếp diễn.

Cổ phiếu Nvidia chốt phiên ngày thứ Tư với mức tăng 3%.

“Tôi cho rằng ở thời điểm này, không gì chi phối thị trường trong ngắn hạn nhiều bằng kết quả kinh doanh của Nvidia. Bởi vì, bức tranh toàn cảnh về kinh tế Mỹ bây giờ - với sự suy yếu của ngành sản xuất và sự vững vàng đáng ngạc nhiên của tiêu dùng - không nhất thiết phù hợp với hướng đi của thị trường lúc này, vì hệ số giá/lợi nhuận đã tăng cao rồi”, Giám đốc đầu tư Todd Jones của công ty Gratus Capital nhận định với hãng tin CNBC.

Nvidia đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Gratus, nhưng ông Jones cho biết công ty này đang cắt giảm nắm giữ các cổ phiếu công nghệ khác vì “mức định giá cho thấy không còn nhiều dư địa để tăng”.

Phiên này, nhà đầu tư ăn mừng vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thang sau nhiều ngày tăng liên tục. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm hơn 11 điểm cơ bản, còn 4,214. Hôm thứ Hai, lợi suất của kỳ hạn này đạt 4,35%, cao nhất kể từ năm 2007.

Nhà đầu tư đang tiếp tục chờ đợi hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Jackson Hole, Wyoming. Sự kiện kéo dài 2 ngày này sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm. Theo dự kiến, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu vào sáng ngày thứ Sáu. Thị trường hy vọng rằng bài phát biểu này của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ mang tới những manh mối mới về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Cổ phiếu hãng xe điện VinFast, với mã VFS niêm yết trên sàn Nasdaq, có phiên tăng thứ ba liên tiếp. Phiên này, VFS tăng 0,31 USD/cổ phiếu, tương đương tăng 0,84%, chốt ở 37,03 USD/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này tăng gần 110% trong phiên ngày thứ Ba.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,82 USD/thùng, tương đương giảm 0,98%, còn 83,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,75 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 78,89 USD/thùng.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng của nước này tăng 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/8. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô giảm 6,1 triệu thùng do hoạt động lọc dầu và xuất khẩu dầu thô được đẩy mạnh.

Theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital, báo cáo của EIA là một “bức tranh hỗn hợp”, nhưng vẫn ít nhiều gây áp lực giảm lên giá dầu.

Trong khi đó, đặt ra nhiều sức ép lên giá năng lượng là các số liệu kinh tế cho thấy sự ảm đạm của lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu. Các nhà máy ở Nhật Bản chứng kiến hoạt động giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8. Hoạt động sản xuất-kinh doanh ở Đức cũng giảm mạnh hơn dự báo, nhất là ở Đức. Nền kinh tế Anh có khả năng suy giảm trong quý 3 này và đứng trước nguy cơ suy thoái. Ở Mỹ, hoạt động sản xuất-kinh doanh gần như ngưng trệ trong tháng 8, chỉ tăng với tốc độ yếu nhất kể từ tháng 2.

Để hỗ trợ giá dầu, Saudi Arabia có thể sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của nước này sang tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 - theo giới phân tích.