Chứng khoán Mỹ tăng điểm trước báo cáo CPI, dầu tụt giá vì lượng tồn kho tăng
“Thị trường đang cố gắng giữ bình tĩnh trước khi đối mặt với hiện thực”, một chiến lược gia nhận định về tâm lý của nhà đầu tư trước khi báo cáo lạm phát được công bố...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/1), khi nhà đầu tư hồi hộp chờ số liệu lạm phát và những báo cáo đầu tiên của mùa công bố kết quả kinh doanh. Giá dầu thô giảm hơn 1% vì thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ vượt dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,57%, đạt 4.783,45 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 170,57 điểm, tương đương tăng 0,45%, đạt 37.695,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,75%, đạt 14.969,65 điểm.
“Thị trường đang cố gắng giữ bình tĩnh trước khi đối mặt với hiện thực”, chiến lược gia Phillip Colmar của công ty MRB Partners nhận định. Ông nói rằng các hoạt động mua-bán trên thị trường đang khá trầm lắng vì đa phần kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay đã được phản ánh vào giá tài sản từ cuối năm ngoái.
“Ở thời điểm hiện tại, thị trường tương đối yên ắng, nhưng tôi không cho rằng sự yên ả đó sẽ kéo dài cả năm nay. Kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm đã được phản ánh. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Rất có thể là sẽ không có một cuộc hạ cánh nào cả, nghĩa là lợi suất trái phiếu có thể sẽ không đứng im nữa, kỳ vọng giảm lãi suất sẽ giảm bớt, và biến động sẽ quay trở lại với giá cổ phiếu… Và sẽ không còn sự tăng điểm với tất cả các cổ phiếu đều được mua như chúng ta đã chứng kiến vào cuối năm vừa rồi”, ông Colmar nói với hãng tin CNBC.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ sẽ được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Năm. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước. Tiếp đó, một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.
Những số liệu này sẽ là căn cứ để thị trường điều chỉnh kỳ vọng về thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Kỳ vọng giảm lãi suất đã giảm xuống trong những tuần gần đây, với khả năng đợt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra vào tháng 3 đã giảm về mức khoảng 64% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Thị trường đang chứng kiến một cuộc giằng co giữa một bên là những người cho rằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhưng vẫn vững vàng, và một bên là những người nhận thấy một sự giảm tốc khó khăn hơn của nền kinh tế”, chiến lược gia Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với CNBC.
“Vẫn đang có những đồn đoán về thời điểm mà Fed có thể cắt giảm lãi suất. Tôi tin vào những gì Fed nói, nghĩa là họ sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn”, chiến lược gia Tim Ghriskey của công ty Ingalls & Snyder nói với hãng tin Reuters, cho rằng thực tế sẽ tuỳ thuộc chủ yếu vào việc lạm phát sẽ xuống thang nhanh như thế nào.
Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 ở Phố Wall sẽ chính thức khởi động vào ngày thứ Sáu này, với kết quả đến từ các ngân hàng và công ty tài chính lớn, gồm JPMorgan Chase và Bank of America.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,87 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 71,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,79 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 76,8 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 1 USD/thùng trước khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho thấy lượng dầu thô tồn kho bất ngờ tăng và lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh hơn dự báo. Ngay sau khi báo cáo này được công bố, giá dầu đã đảo chiều và sụt giảm.
“Báo cáo ngày hôm nay của EIA khiến nhà đầu tư lo lắng về sự suy yếu của nhu cầu”, chiến lược gia Rob Haworth của công ty US Bank Asset Management nhận định.
Số liệu từ báo cáo trên cho thấy lượng dầu thô tồn kho tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, đạt 432,4 triệu thùng, thay vì giảm 0,7 triệu thùng như dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Tồn kho xăng tăng 8 triệu thùng, còn tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 6,5 triệu thùng.
“Nhà đầu tư có vẻ đang bị ‘nhiễu sóng’ vì các yếu tố trái chiều tác động lên giá dầu: xung đột ở Trung Đông đẩy chi phí vận chuyển dầu tăng lên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu, và khả năng Fed cắt giảm lãi suất từ tháng 3 - động thái có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Haworth phát biểu.
Triển vọng ảm đạm của kinh tế châu Âu cũng dẫn tới mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Phát biểu hôm thứ Tư, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos nói khu vực eurozone có thể đã rơi vào suy thoái trong quý 4 và trước mắt vẫn chưa có gì khởi sắc.
Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” công bố ngày 9/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc năm thứ ba liên tiếp trong năm nay, còn 2,4% từ mức 2,6% trong năm ngoái. Về năm 2025, WB cho rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu chỉ tăng nhẹ lên 2,7%.