07:54 23/08/2023

Chứng khoán Mỹ lại mất điểm, VFS tăng gần 109%, giá dầu tiếp tục đi xuống

Bình Minh

Phiên tăng này đưa giá trị vốn hoá thị trường của VinFast lên mức gần 85,3 tỷ USD, gần gấp đôi vốn hoá của hãng General Motors (GM)...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/8), dưới áp lực giảm từ cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ, cũng như mối bất an của nhà đầu tư trước bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trong tuần này. Giá dầu thô giảm phiên thứ hai liên tiếp, vẫn vì những lo ngại liên quan tới sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 4.387,55 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 174,86 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 34.288,83 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ 0,06%, đạt 13.505,87 điểm. Gây sức ép giảm mạnh lên Nasdaq phiên này là cổ phiếu Nvidia - hãng chip khổng lồ với kết quả kinh doanh quý 2 dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Dù tăng vào đầu phiên, cổ phiếu Nvidia đã quay đầu sau đó và chốt phiên với mức giảm 2,9%.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn và ngân hàng khu vực đồng loạt giảm sau khi S&P Global vào hôm thứ Hai có động thái hạ điểm tín nhiệm và điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Mỹ, với lý do được đưa ra là môi trường hoạt động của các ngân hàng trở nên khó khăn. Nhóm tài chính giảm 0,9%, trở thành nhóm cổ phiếu ngành giảm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500.

Hai cổ phiếu ngân hàng khu vực KeyCorp và Comerica giảm 4,1% mỗi cổ phiếu. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất ở Mỹ về giá trị tài sản, chứng kiến mức giảm giá cổ phiếu 2,1%.

Cổ phiếu các nhà bán lẻ Dick’s Sporting Goods và Macy’s giảm tương ứng 24% và 14% sau khi công ty đưa ra dự báo thận trong về kết quả kinh doanh cả năm. Cổ phiếu hãng bán lẻ thời trang thể thao Nike, một thành viên của chỉ số Dow Jones giảm hơn 1%, đánh dấu phiên giảm thứ 9 liên tiếp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hãng xe điện đến từ Việt Nam VinFast có phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp sau khi chuỗi 3 phiên lao dốc vào tuần trước. Chốt phiên với mức tăng 19,14 USD/cổ phiếu, tương đương tăng 108,87%, mã VFS đóng cửa ở mức 36,72 USD/cổ phiếu.

Phiên tăng này đưa giá trị vốn hoá thị trường của VinFast lên mức gần 85,3 tỷ USD, gần gấp đôi vốn hoá của hãng General Motors (GM) - một biểu tượng của nền công nghiệp ô tô Mỹ. Cổ phiếu GM chốt phiên với mức giảm hơn 1%, còn 32,93 USD/cổ phiếu. Với mức giá cổ phiếu này, vốn hoá của GM đạt khoảng 45,3 tỷ USD.

Một đám mây đen phủ bóng lên thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây là xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - một chỉ báo về mối lo rằng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Phiên ngày thứ Ba, lợi suất của kỳ hạn này giảm nhẹ, còn 4,33%.

“Tôi cho rằng, thị trường kiểu như ở trạng thái nhùng nhằng hiện nay là do lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở vùng đỉnh… Nhà đầu tư vẫn đang chờ một cuộc bứt phá chính thức của lợi suất. Nếu lợi suất tăng tiếp, đó chắc chắn là một dấu hiệu cảnh báo về sự giảm điểm tiếp diễn của thị trường cổ phiếu”, chiến lược gia Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.

Tuy nhiên, ông Turnquist nói ông không bi quan về cổ phiếu mà coi đây là “giai đoạn lùi của một thị trường giá lên”. Ông coi cổ phiếu công nghiệp là lựa chọn hàng đầu để mua hiện nay.

Chiến lược gia Victoria Fernandez của công ty Crossmark Global Investments cũng dự báo chứng khoán Mỹ còn giảm điểm do ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu tăng và sự thận trọng gia tăng của người tiêu dùng.

“Lợi suất sẽ còn tăng cao hơn một chút. Mùa báo cáo tài chính quý 2 đã qua, và giờ là lúc câu chuyện kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại chi phối diễn biến thị trường. Những số liệu vì mô khả quan sẽ là con dao hai lưỡi, bởi đó sẽ là căn cứ để Fed cho rằng các điều kiện tài chính chưa đủ thắt chặt”, bà Fernandez nói với CNBC.

Bài phát biểu mà nhà đầu tư chờ đợi trong tuần này sẽ được ông Powell đưa ra vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ địa phương, tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, một khu nghỉ dưỡng ở bang Wyoming.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,37 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 80,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,43 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 84,03 USD/thùng.

Tuy giảm hai phiên liên tiếp, giá dầu đã tăng mạnh trong mùa hè này nhờ kỳ vọng của giới đầu tư rằng thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa sau của năm nay. Mối lo thiếu cung dầu xuất phát từ các nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+. Trong đó, Saudi Arabia đã thực thi một kế hoạch giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến kéo dài cho tới hết tháng 9. Nga cũng cắt giảm xuất khẩu dầu.

Nhưng gần đây, mối lo về sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc - thể hiện qua loạt số liệu thống kê ảm đạm và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng - đã gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuần trước, giá dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 2%, chấm dứt chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp.

“Dữ liệu kinh tế vĩ mô xấu từ Trung Quốc đang trở thành một cơn gió ngược đối với thị trường dầu lửa… Dù vậy, OPEC vẫn đang giữ được sức mạnh đối với giá dầu, và giá dầu tiếp tục được hỗ trợ sau mỗi cú giảm”, nhà quản lý quỹ Stephen Innes của công ty SPI Asset Management nói với trang MarketWatch.

Dù vậy, xu hướng mất giá của đồng Rúp Nga có thể khiến nước này buộc phải tăng xuất khẩu dầu trở lại - theo nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo của công ty Spartan Capital. “Tình hình của Nga có thể buộc Nga phải tăng sản lượng dầu để tăng thu, dẫn tới một sự rạn nứt trong liên minh OPEC+”, ông Cardillo viết trong một báo cáo.