09:14 24/09/2007

Chứng khoán thế giới dùng dằng tăng giảm

Lê Hường

Phiên giao dịch cuối tuần lại tiếp tục chứng kiến đà leo dốc của chứng khoán Mỹ sau “bàn cứu nguy” của FED

Thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ tăng giá, còn thị trường Nhật Bản tụt dốc.
Thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ tăng giá, còn thị trường Nhật Bản tụt dốc.
Giữa những tranh cãi về động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá vàng nhảy vọt, giá dầu tăng kỷ lục, đồng USD yếu đi và chứng khoán thế giới lúc lên lúc xuống. 

Phiên giao dịch cuối tuần lại tiếp tục chứng kiến đà leo dốc của chứng khoán Mỹ sau “bàn cứu nguy” của FED. S&P 500 lên 7 điểm (0,5%), đạt mức 1.525,75 điểm. Dow Jones thêm 53,49 điểm (0,4%), đạt 13.820,19 điểm. Nasdaq leo thêm 16,93 điểm (0,6%) đạt 2.671,22 điểm.

Tại New York (Mỹ), khối lượng giao dịch trong giờ đầu tiên tăng lên mức kỷ lục, đạt 805 triệu cổ phiếu, tăng 7,9% so với mức cao nhất vừa qua. Nhiều nhà đầu tư nhận xét: “Tính thanh khoản đã quay lại với thị trường, niềm tin đã trở lại. Các bạn sẽ tìm thấy sự lạc quan trên thị trường chứng khoán.”

Oracle, ông chủ sản xuất phần mềm lớn thứ ba thế giới, vừa công bố doanh thu tăng vọt của các sản phẩm mới, điều này được xem là nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu của Oracle lên mức cao nhất trong sáu năm qua, tăng 94 cent, đạt 21,89 USD. Cổ phiếu của các công ty năng lượng tham gia vào chỉ số S&P 500 tăng 0,6%.

Tại thị trường New York, giá của khí tự nhiên tăng vọt khi một số địa điểm sản xuất ở vịnh Mexico thông báo giảm sản lượng, và giá dầu thô giao tháng 11 tại New York giữ ở mức 81 USD/thùng. Cổ phiếu của tập đoàn Exxon Mobil, công ty giao dịch dầu lớn nhất thế giới được cộng thêm 22 cent, lên mức 92,31USD. Cổ phiếu của Chevron, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai ở Mỹ thêm 67 cent, đạt 94,84 USD.

Các chỉ số quốc gia tăng giá ở tất cả 18 thị trường châu Âu trừ Áo, Đan Mạch và Italia. FTSE 100 của Anh tăng 0,4%. CAC 40 của Pháp lên 0,2%. DAX của Đức thêm 0,8%. Stoxx 50 thêm 0,4% và Euro Stoxx 50, một thước đo cho thị trường châu Âu tăng 0,1%. Dow Jones Stox 600 thêm 0,5% đạt 376,77 điểm.

Trong một báo cáo công bố hôm 21/9, Goldman Sachs đã tăng mức độ đánh giá cho ngành công nghiệp ôtô từ mức “trung lập” lên mức “hấp dẫn”. Kết quả là giá cổ phiếu của hàng loạt đại gia sản xuất ôtô hàng đầu thế giới đều nhảy vọt.

Renault SA, ông chủ sản xuất ôtô lớn thứ hai Pháp, tăng 3,3%, lên 100 Euro. Fiat, đại gia sản xuất ôtô hàng đầu Italia tăng 4,8% lên 20,15 Euro. Cổ phiếu của Volkswagen AG, huyền thoại ôtô của nước Đức, cũng thêm 1,1% lên mức 155,67 Euro sau khi Goldman Sachs tăng mức định giá cho cổ phiếu này từ 150 Euro lên 185 Euro.

USD suy yếu so với Yên, kéo hàng loạt các chỉ số chứng khoán lớn của Nhật Bản đều tụt dốc ở phiên giao dịch cuối tuần. Nikkei 225 mất 101,08 điểm (0,6%), xuống mức 16.312,61 điểm. Topix mất 14,77 điểm (0,9%), còn ở mức 1.552,07 điểm.

Cổ phiếu của những nhà xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Mỹ đều giảm. Toyota Motor mất 130 Yên (1,9%), còn ở mức 6.560 Yên. Honda Motor, mất 120 Yên (3,1%) xuống mức 3.750 Yên. Sony giảm 100 Yên (1,8%), xuống 5.340 Yên.

Cổ phiếu của Elpida Memory, nhà sản xuất phần mềm máy tính lớn nhất Nhật Bản mất 200 Yên (5,3%), xuống ở mức 3.610 Yên. Trong khi đó, Nintendo, ông chủ số một của những trò chơi trực tuyến, lần đầu tiên tăng điểm trong 3 tuần, thêm 4%, đạt 57.600 Yên/cổ phiếu.

Tuy nhiên, giá dầu mỏ và kim loại tăng làm cổ phiếu của ngành này ở Nhật tiếp tục lạc quan. Ngày 21/9, tại New York, giá dầu giao tháng mười, đạt mức giá giao dịch cao kỷ lục 83,9USD/thùng trước khi đóng cửa ở mức giá 83,32USD/thùng.

Ngay lập tức, cổ phiếu của tập đoàn dầu mỏ Nippon được cộng thêm 3,9% lên mức 1.066 Yên. Cổ phiếu của Sumitomo Metal, nhà sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản thêm 14% lên mức 638 Yên sau khi giá ống thép sử dụng trong giàn khoan tăng 10%.

Yasuhiko Hirakawa, chuyên viên quản lý quỹ của công ty DLIBJ ở Tokyo nói: “Các nhà đầu tư có thể tương đối lạc quan trong việc mua cổ phiếu của các nhà sản xuất thép và cổ phiếu các ngành liên quan. Mức cầu của những loại sản phẩm ở những nền kinh tế mới nổi đang tăng mạnh”.

Các chỉ số chính của thị trường Hồng Kông lại có biên độ dao động tăng khá lớn. Hang Seng lên điểm liên tục trong ba ngày, thêm 142,65 điểm (0,6%), đóng cửa ngày cuối tuần ở mức 25.843,78 điểm, vượt qua mức kỷ lục của ngày hôm trước là 25.701,13 điểm. Tính cả tuần, chỉ số này đã tăng 3,8%.

Cổ phiếu của các hãng hàng không lớn ở Hồng Kông đều bay cao. Cathay Pacific, ông chủ lớn nhất bầu trời Hồng Kông, nhảy thêm 2,20 HK$ (11%), đạt 22,70 HK$, mức lên điểm cao nhất kể từ tháng 1/1999. cổ phiếu của Air China thêm 18 cent (1,5%) đạt 11,84 HK$, tổng mức tăng trong tuần đạt 27%. China Eastern cũng thêm 1,07 HK$ (12%), đạt 9,72 HK$/cổ phiếu, kéo dãn biên độ tăng của cả tuần ra 51%.