14:22 16/01/2008

Chứng khoán thế giới: Ngày thảm bại

Sơn Phúc

Sự hứng khởi của các nhà đầu tư Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần lung lay khi các hàn thử biểu của thị trường này lần lượt sụt giảm

Tại châu Á, các hàn thử biểu cũng lôi nhau đi xuống, trừ thị trường Việt Nam.
Tại châu Á, các hàn thử biểu cũng lôi nhau đi xuống, trừ thị trường Việt Nam.
Shứng khởi của các nhà đầu tư Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần lung lay khi các hàn thử biểu của thị trường này lần lượt sụt giảm.

Chứng khoán châu Á cũng không đủ sức kháng cự khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực này “mấp mé” ở bờ vực suy thoái.

Ngày 15/1, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc sau khi tập đoàn Citigroup Inc. công bố mức thua lỗ kỷ lục, doanh thu bán lẻ giảm mạnh và giá dầu thấp kéo cổ phiếu công nghệ sụt giảm.

Standard & Poor 500 mất 35,3 điểm (2,5%) chỉ còn 1.380,95, đánh dấu 10 phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1978. Dow Jones mất 277,04 điểm (2,2%) chỉ còn 12.501,11 điểm, lần thứ năm trong năm nay chỉ số này sụt giảm hơn 220 điểm. Nasdaq mất 60,71 điểm, (2,5%) xuống mức 2.417,59 điểm. Trên sàn giao dịch NYSE, số cổ phiếu giảm giá đánh bại số cổ phiếu lên giá với tỷ lệ 7:1.

Sự sụt giảm liên tục trong ba tuần đã xoá sạch hơn 800 tỷ USD giá trị của các cổ phiếu “quốc tịch” Mỹ và đẩy S&P 500 xuống mức thấp nhất kể từ tháng Ba.

Ngược lại xu thế của cổ phiếu, thị trường trái phiếu Mỹ phục hồi đáng kể, lợi tức của trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp nhất kể từ 2004 và đồng USD trượt mạnh so với đồng Yên sau khi Bộ Lao động M công bố doanh thu bán lẻ kém cỏi, làm dấy thêm nỗi lo suy thoái của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia phân tích của Bloomberg, các công ty tài chính trong S&P 500 dự kiến sẽ đưa ra mức sụt giảm lợi nhuận trong quý 4/2007 là 69%, và kết quả là, chỉ số tổng có thể mất thêm 10%.

Citigroup mất 2,12 USD (7,3%) còn 26,94 USD, giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ 10/2002. Mức thua lỗ trong quý 4/2007 của tập đoàn này là 9,83 tỷ USD, tương đương 1,99 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, lợi nhuận quý 4 năm 2006 của tập đoàn này là 5,1 tỷ USD. Citigroup cũng công bố cắt giảm 4.200 việc làm và cho biết sẽ nhận 14,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để hỗ trợ cho nguồn vốn của công ty.

Các cổ phiếu tài chính trong S&P 500 lùi 3,7%, dẫn đầu 10 ngành suy giảm trong S&P 500, và mất 8% trong năm 2008.

Russell 2000, hàn thử biểu của các công ty tầm trung có giá trị thị trường 519 triệu USD mất 2,1% chỉ còn 697,43 điểm. Dow Jones Wilshire 5000, thước đo rộng nhất của các cổ phiếu Mỹ mất 2,4% còn 13.841,83 điểm. Giá trị các cổ phiếu giảm 431 tỷ USD.

Tại châu Á, các hàn thử biểu cũng lôi nhau đi xuống, trừ thị trường Việt Nam.

Chứng khoán Nhật giảm phiên thứ năm liên tiếp với lo ngại kinh tế của thị trường xuất khẩu lớn nhất nước này khó thoát khỏi suy thoái.

Nikkei 225 mất 468,12 điểm (3,4%) đóng cửa ở mức 13.504,51 điểm, mức thấp nhất của chỉ số này tính từ 28/10/2005. Topix trượt 47,83 điểm (3,5%) chỉ còn 1.302,37 điểm. Trên thị trường giao dịch Tokyo, số cổ phiếu tăng giá quá yếu ớt trước cổ phiếu giảm giá, với tỷ lệ 1:17.

Hàn thử biểu của Hồng Kông cũng chịu mất mát lớn nhất trong hai tháng qua. Lúc 12:30 trưa nay, Hang Seng giảm 1.022,17 điểm (4%) chỉ còn 24.815,61 điểm, bước tụt lùi dài nhất của chỉ số này kể từ 21/11. Thước đo này cũng đã trượt mất 22% kể từ đỉnh cao 31.638,22 điểm đã đạt được ngày 30/10.

“Niềm tin của nhà đầu tư rất yếu ớt, vì thế họ đang bán tống bán tháo cổ phiếu của mình. Nếu Mỹ rơi vào suy thoái, chắc chắn các thị trường khác cũng bị kéo xuống”, Mona Chung, giám đốc quản lý quỹ tại Daiwa Asset Management Ltd. ở Hồng Kông nhận định.