Chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm giảm mạnh nhất châu Á 2018
Chỉ số VN-Index của Việt Nam nằm trong số những chỉ số chứng khoán châu Á có mức giảm mạnh nhất năm nay
Đối với chứng khoán châu Á, năm 2018 là một câu chuyện với hai nửa khác biệt: sau đợt tăng kỷ lục nửa đầu năm là những pha sụt giảm chóng mặt trong nửa cuối năm, khiến 5,2 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa bị "cuốn phăng".
Chỉ số VN-Index của Việt Nam nằm trong số những chỉ số chứng khoán khu vực có mức giảm mạnh nhất năm nay - hãng tin Bloomberg cho hay.
Trong năm 2018, các nhà đầu tư chứng khoán châu Á có nhiều nỗi lo: giá các tài sản biến động mạnh, nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế, xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, và bấp bênh chính trị ở Washington.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 22% kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 1, đưa năm 2018 trở thành năm giảm điểm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 2011.
"Có rất ít kênh đầu tư an toàn phát huy được tác dụng trong năm nay", chiến lược gia đầu tư Jason Low thuộc DBS Group nhận định. "Các thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á không tránh được ảnh hưởng của chiến tranh thương mại leo thang và lãi suất tăng".
Ngoài ra, ông Low cũng cho rằng giới đầu tư có thể đã bị bất ngờ trước mức độ ảnh hưởng của những yếu tố này đối với thị trường.
Trong bối cảnh đó, chứng khoán châu Á năm 2018 có mức độ biến động mạnh nhất 2 năm - theo một chỉ số đo lường sự biến động của MSCI châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ vẫn giữ được xu hướng giá lên đã kéo dài 1 thập kỷ qua, sự tăng điểm hồi đầu năm của chứng khoán châu Á tỏ ra kém bền vững hơn. Từ đỉnh đến đáy của năm, chứng khoán châu Á đã giảm 24%, trong đó loạt thị trường lớn như Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục thậm chí còn giảm mạnh hơn.
Các chỉ số chứng khoán châu Á có mức giảm từ đỉnh đến đáy mạnh nhất trong năm 2018, tính đến ngày 27/12 - Nguồn: Bloomberg.
Mức giảm 26% từ đỉnh đến đáy trong năm, tính đến ngày 27/12, của VN-Index chỉ thua mức giảm 30% của Shanghai Composite Index, và bằng mức giảm chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và Topix của Nhật Bản.
Với mức giảm như vậy, các thị trường này đều đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), hay còn gọi là "thị trường gấu".
Do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong số các cổ phiếu giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán châu Á năm nay, có nhiều cổ phiếu các công ty xuất khẩu. Chẳng hạn, cổ phiếu công ty thương mại hàng tiêu dùng Li & Fung ở Hồng Kông đã giảm 70% trong thời gian từ tháng 5.
Một số cổ phiếu châu Á rớt giá mạnh trong năm 2018 vì chiến tranh thương mại. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg.
Các cổ phiếu công nghệ và Internet ở khu vực châu Á cũng rớt thảm theo nhóm cổ phiếu FAANG đình đám ở Phố Wall. Nếu như cổ phiếu Apple và Amazon "bốc hơi" trong nửa cuối năm, thì cổ phiếu Tencent cũng sụt 47% từ đỉnh đến đáy. Cổ phiếu các nhà sản xuất con chip và phần cứng công nghệ đồng loạt giảm sâu vì nỗi lo về sự bão hòa của thị trường điện thoại thông minh (smartphone).
Một số cổ phiếu công nghệ và Internet châu Á giảm giá mạnh năm 2018. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg.
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến những cột mốc đáng quên trong năm nay. Shanghai Composite Index hiện giảm 25% so với thời điểm bắt đầu năm 2018, trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm, tương đương mức sụt giảm vốn hóa 2,4 nghìn tỷ USD.