Chuyên gia không tin Trung Quốc có thể mua thêm 50 tỷ USD nông sản Mỹ
Một chuyên gia gọi khối lượng nông sản mà chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc mua thêm là “con số điên rồ”
Việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ ở cấp độ như Washington đòi hỏi sẽ là một vấn đề, và nhiều khả năng Bắc Kinh chỉ làm như vậy nếu điều kiện thị trường cho phép - giới phân tích cảnh báo.
Theo hãng tin CNBC, đánh giá này phủ một nỗi hoài nghi lớn lên nội dung về mua thêm hàng hóa nông sản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc công bố cách đây ít hôm.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Asian Trade Centre, gọi khối lượng nông sản mà chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc mua thêm là "con số điên rồ" và "có sức mạnh bóp méo thị trường" trên phạm vi toàn cầu. "Việc tăng mua nông sản với khối lượng và tốc độ như vậy là rất có vấn đề", bà Elms nhận xét.
"Tôi sẵn sàng đặt cược rằng chuyện này sẽ sớm quay trở lại bàn đàm phán, vì khả năng của Trung Quốc trong việc đáp ứng yêu cầu như vậy là rất hạn chế", vị chuyên gia phát biểu.
Hôm thứ Sáu, giới chức Mỹ và Trung Quốc cho biết hai nước đã đạt một thỏa thuận để xuống thang cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi. Một nội dung của thỏa thuận này là Trung Quốc phải mua thêm hàng hóa nông sản Mỹ. Ông Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ sớm mua thêm 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh chưa lên tiếng xác nhận một con số cụ thể nào.
Theo đánh giá của bà Elms, Trung Quốc đã và đang "rất thận trọng" khi nói rằng khối lượng nông sản Mỹ mà họ dự định mua sẽ tùy thuộc điều kiện thị trường và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Nói cách khác, Trung Quốc muốn nói rằng: ‘Cho dù chúng tôi có hứa, thì các ông cũng nên cẩn trọng, bởi thị trường không cho phép việc mua nhiều nông sản tới mức đó. Rất có thể chúng tôi sẽ không đạt mục tiêu đó’", bà Elms nhận xét.
Quan điểm nghi ngờ của bà Elms nhận được sự đồng tình của nhiều nhà phân tích khác, những người chỉ ra rằng có những hạn chế trong khối lượng nông sản mà Trung Quốc có thể tiêu thụ.
"Một số nội dung của thỏa thuận này thực sự chỉ mang tính chính trị hơn là thực tế", chiến lược gia Mark Jolley thuộc CCB Interntional Securities phát biểu.
"Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc chỉ có thể thực hiện cam kết đó nếu họ mua nông sản để tích trữ… Rất khó để họ có thể tăng mức nhập khẩu nông sản quá ngưỡng mà họ vẫn nhập bình thường", ông Jolley nhận định.
Một điểm sáng có lẽ nằm ở nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, xét đến việc Trung Quốc cần tái đàn lợn sau trận dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở nước này, ông Jolley nói.
Mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng mua đậu tương - loại nông sản dùng nhiều để làm thức ăn cho lợn - cũng như thịt lợn từ Mỹ, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nhưng bà Elms nói rằng, Trung Quốc còn đang có thỏa thuận mua nông sản với các nước khác chứ không riêng gì Mỹ.
Chẳng hạn, từ khi thương chiến với Mỹ nổ ra, Trung Quốc chủ yếu nhập đậu tương từ các nước Nam Mỹ. Việc Trung Quốc bất ngờ "quay ngoắt" có thể khiến các nhà cung cấp này mếch lòng. Chưa kể, việc Mỹ muốn Trung Quốc mua thêm một khối lượng lớn nông sản như vậy, lên tới 50 tỷ USD, chỉ trong vòng 2 năm là một việc rất bất hợp lý, bà Elms nhận định.
Theo số liệu mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Sáu tuần trước, tổng nhập khẩu nông sản của nước này trong 2018 là 137,1 tỷ USD, trong đó có khỏang 16,23 tỷ USD là từ Mỹ. Cũng theo vị Thứ trưởng, từ 2015-2017, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc đạt khoảng hơn 24 tỷ USD mỗi năm.