Chuyên gia WB: Trong ngắn hạn, EVFTA chưa mang lại lợi ích ngay cho Việt Nam
"Trong ngắn hạn EVFTA sẽ chưa mang lại lợi ích ngay, nhưng trước mắt sẽ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư, nâng cao triển vọng kinh tế Việt Nam"
Theo báo cáo bán thường niên "Điểm lại" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 1/7, đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực.
Theo báo cáo này, nửa đầu năm 2019, ngành dịch vụ của Việt Nam đạt kết quả tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018.
Tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh bất định cao
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài lên các ngành kinh tế quan trọng. Báo cáo nhận định dù có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực. WB dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh của Việt Nam sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt.
Rủi ro tiếp tục gia tăng, do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên với khi căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Rủi ro bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.
"Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến," theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. "Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương".
Tuy nhiên, WB nhận định Việt Nam dường như được hưởng lợi trước mắt từ chuyển hướng thương mại sau khi tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ leo thang. Theo dữ liệu về thương mại của Mỹ cho giai đoạn kể từ đợt áp đặt thuế quan vòng đầu tiên từ giữa năm 2018, Việt Nam nằm trong số các quốc gia hưởng lợi từ tranh chấp thương mại, ít nhất trong ngắn hạn. Dữ liệu quý 1 cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 với Mỹ tăng 13,5 tỷ USD, so với 7,5 tỷ USD quý 1 năm trước, trong đó kim ngạch tăng chủ yếu ở các mặt hàng chịu thuế quan tăng lên.
Dù vậy, là một nền kinh tế có độ mở cao với tỷ lệ thương mại trên GDP lên đến gần 200%, Việt Nam cũng chịu nguy cơ do tình trạng bất định tăng lên gây khả năng gián đoạn ở các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ xếp Việt Nam là một trong chín đối tác thương mại trong "Danh sách theo dõi", đòi hỏi cần quan tâm sát sao đến các thông lệ về chính sách tiền tệ ở các quốc gia đó.
Nhận định về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng hiệp định này có một số cam kết rất khó triển khai và Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng triển khai, đặc biệt là rà soát lại tất cả các vấn đề phi thuế quan ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Ông Eckardt lấy ví dụ về ngành thực phẩm, trong đó Việt Nam phải đảm bảo các chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra các cơ chế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có các sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu. Việc này đòi hỏi hành động của không chỉ chính phủ mà cả các nhà sản xuất.
Theo ông Eckardt, trong ngắn hạn hiệp định sẽ chưa mang lại lợi ích ngay, nhưng trước mắt sẽ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư, nâng cao triển vọng kinh tế Việt Nam và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài.
"Muốn tăng thêm xuất khẩu, Việt Nam cần phải tăng cường thực thi các cam kết. Chúng tôi chưa nhận thấy được lợi ích từ hiệp định EVFT) trong kỳ dự báo này", ông Eckardt cho biết.
Phát triển du lịch đã đến điểm tới hạn
Báo cáo của WB đi sâu vào phân tích tình hình phát triển của ngành du lịch - ngành xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 8% GDP năm 2017. Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn bùng phát về du lịch trong suốt thập kỷ qua, trở thành một trong những điểm đến mới nổi hàng đầu ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, báo cáo nhận định tăng trưởng mạnh mẽ khiến ngành du lịch đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển. Điều này có nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường.
Số lượt du khách tăng nhanh chủ yếu là do chuyển dịch sang nhóm du khách chi tiêu thấp hơn và tăng tập trung vào các điểm đến quen thuộc hiện đã quá tải. Do đó, Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương về năng lực kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ngành du lịch và bền vững về môi trường. Theo WB, nếu không quan tâm, mô hình tăng trưởng du lịch kiểu này sẽ gây rủi ro là tác động kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn với quan niệm rằng du lịch không đem lại đủ lợi ích.
"Việt Nam có rất nhiều quy hoạch về du lịch, cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương, nhưng việc tuân thủ quy hoạch còn khá yếu. Một vấn đề nữa là năng lực cơ sở hạ tầng. Dù xây số lượng khách sạn xây mới tăng thêm 2% một năm, nhưng cơ sở hạ tầng không được phát triển tương ứng", ông Brian Monya, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam chia sẻ nhận định tại họp báo.
Bên cạnh đó, theo ông Monya, một vấn đề đáng quan ngại đối với ngành du lịch Việt Nam là khan hiếm về nguồn nhân lực. Lượng sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch là khoảng 15.000 mỗi năm nhưng nhu cầu là khoảng 30.000.
Để đảm bảo bền vững dài hạn cho ngành, WB khuyến nghị Việt Nam cần phải có những lựa chọn chiến lược với các ưu tiên chính, bao gồm tăng cường phối hợp về quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách; phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch; tăng cường kết nối các chuỗi giá trị du lịch địa phương; cải thiện về quản lý luồng khách; nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng ở điểm đến; bảo vệ tài sản văn hóa và môi trường.
"Để phát triển ngành du lịch, Việt Nam cần phải điều chỉnh một số chính sách, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề về nguồn nhân lực, song hành là vấn đề về phát triển hạ tầng. Và điều không bao giờ được quên là phát triển du lịch nhưng không hy sinh môi trường, văn hoá", ông Oussmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.