Có bước tiến, đàm phán thương mại Mỹ-Trung kéo dài thêm 2 ngày
Theo kế hoạch ban đầu, vòng đàm phán này sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu
Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài vòng đàm phán thương mại tại Washington sang hai ngày cuối tuần, sau khi các cuộc thảo luận đạt bước tiến về vấn đề tỷ giá, nhưng chưa có đột phá nhằm ngăn việc Mỹ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc vào tuần tới.
"Cả hai bên đều muốn đạt một thỏa thuận thực sự. Chúng tôi muốn có một thỏa thuận có ý nghĩa, chứ không phải là một thỏa thuận cho xong và chẳng có ý nghĩa gì", hãng tin Bloomberg dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ngày thứ Sáu tại Nhà Trắng. "Tôi muốn thỏa thuận đạt được phải kéo dài nhiều năm và phải tốt cho cả hai nước".
Theo kế hoạch ban đầu, vòng đàm phán này sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu, nhưng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ở lại thủ đô của nước Mỹ thêm 2 ngày nữa để đàm phán.
Phát biểu tại Nhà Trắng khi đứng bên là ông Lưu Hạc và các quan chức cấp cao của Mỹ, ông Trump nói ông sẽ lùi thời hạn 1/3 về áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc khoảng 1 tháng hoặc hơn nếu hai bên đạt bước tiến mới trong hai ngày đàm phán thêm.
Thỏa thuận cuối cùng giữa hai nước dự kiến sẽ được ký kết tại một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump nói hy vọng sẽ gặp ông Tập "trong tương lai không quá xa".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ở thời điểm này là cao hơn khả năng không có thỏa thuận. Ông Lưu Hạc đồng tình với quan điểm này, nói rằng khả năng hai bên đi đến được một thỏa thuận là cao.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông Trump và ông Tập có thể sẽ gặp vào cuối tháng 3 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của nhà Trump ở Florida.
Hai bên đang "đẩy nhanh tốc độ đàm phán", ông Lưu Hạc nói trong một tuyên bố được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải vào buổi sáng ngày thứ Bảy theo giờ Bắc Kinh. "Hai nước đã tiến hành đàm phán hiệu quả và đạt bước tiến tích cực trong những lĩnh vực như cán cân thương mại, nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ và dịch vụ tài chính", nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, đại diện thương mại (USTR) Robert Lighthizer, người dẫn đầu cuộc đàm phán bên phía Mỹ, tỏ ra thận trọng hơn. Ông cho biết hai bên đã đạt bước tiến trong những vấn đề cơ cấu liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn đối mặt với trở ngại.
"Chúng tôi có những trở ngại lớn", ông Lighthizer nói thêm.
Theo ông Mnuchin, Mỹ-Trung đã đạt nhất trí về một điều khoản về vấn đề tỷ giá. Trước đó, Bloomberg đưa tin rằng Mỹ gây sức ép đòi Trung Quốc giữ ổn định tỷ giá Nhân dân tệ nhằm tránh trường hợp Bắc Kinh phá giá đồng tiền nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, giới thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC rằng Trung Quốc đã cam kết mua thêm 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khoảng thời gian không rõ là bao lâu, nhưng hai bên vẫn còn khoảng cách trong vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ. Trước đó, vào hôm thứ Năm, hãng tin Reuters nói rằng Trung Quốc đề xuất mua thêm 30 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm.
Giới phân tích cho rằng áp lực đạt một thỏa thuận thương mại đang ở mức cao đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Những bấp bênh mà cuộc chiến này đặt ra đã gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế và thị trường tài chính của hai nước, cũng như nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
"Rõ ràng, cả hai bên đều đang cố gắng vì mục tiêu đạt một thỏa thuận", ông Ryan Hass, chuyên gia thuộc Viện Brookings ở Washington, nhận định.