14:47 30/08/2022

Cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam trên thị trường 1,7 tỷ USD

Khánh Huyền

Ước tính đến năm 2025 các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 1,7 tỷ USD từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG, theo báo cáo các ngân hàng Việt Nam có cơ hội nắm giữ vai trò quyết định trên thị trường trái phiếu xanh của McKinsey & Company...

Nguồn: McKinsey & Company.
Nguồn: McKinsey & Company.

Trái phiếu xanh là phân khúc vô cùng tiềm năng trong thị trường tài chính bền vững ở cả trên thế giới, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ước tính đến năm 2025 các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 1,7 tỷ USD từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG, theo báo cáo các ngân hàng Việt Nam có cơ hội nắm giữ vai trò quyết định trên thị trường trái phiếu xanh của McKinsey & Company.

Tuy nhiên, báo cáo của McKinsey & Company cũng chỉ ra rằng các ngân hàng trong nước mới chỉ phát hành 216 triệu USD trái phiếu xanh, con số rất nhỏ so với tiềm năng trên, và cũng rất khiêm tốn so với 43 tỷ USD tổng cộng đã phát hành của các ngân hàng tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong 5 năm trở lại đây.

NHU CẦU TÀI TRỢ GIA TĂNG 

Ở Việt Nam, tài trợ dự án đã tăng trưởng từng năm, từ khoảng 3 tỷ USD năm 2018 lên 38 tỷ USD năm 2021, trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông và nước sạch. Nhu cầu tài trợ các dự án năng lượng tái tạo đang dẫn dắt sự tăng trưởng này, đạt hơn 10 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2018-2020, và 21 tỷ USD năm 2021.

Các dự án điện gió và điện mặt trời đóng góp lớn trong việc thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực này. Với dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện 8, và cam kết của chính phủ Việt Nam tại COP26, nhu cầu tài trợ các dự án năng lượng sạch sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Nguồn: McKinsey & Company.
Nguồn: McKinsey & Company.

Trong bối cảnh thị trường là tiềm năng và nhu cầu đang ngày càng gia tăng, ngân hàng cũng sẽ có lợi ích khi phát triển loại trái phiếu này. Ngân hàng sẽ không mất thu nhập từ phí nếu phát hành trái phiếu xanh - trên thực tế, trái phiếu có một khoản phí nhỏ (“phí xanh”) so với các sản phẩm truyền thống bởi tính chất “xanh”. Nghiên cứu cũng cho thấy trái phiếu xanh đạt lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm truyền thống (cả trái phiếu địa phương và doanh nghiệp).

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ 

Thị trường trái phiếu xanh cũng được ủng hộ bởi Chính phủ, với việc ra đời một loạt chính sách. Năm 2015, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước tăng cường các công cụ tài chính xanh, thông qua các quy định về tài chính xanh, và đến năm 2018 đã tuyên bố tất cả các ngân hàng phải thực hiện các biện pháp nội bộ trong việc cân nhắc rủi ro môi trường trước năm 2025. Mới đây Khung chính sách Tài chính xanh đã được triển khai, yêu cầu Bộ Tài chính đưa ra các chính sách khuyến khích cho vốn xanh. Và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quyết định 896/QĐ-TTg năm 2022 về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Để xác định xem các quy định mới có thể hữu ích như thế nào với các ngân hàng, các quy định đã đầy đủ, hay cần cải thiện,… các ngân hàng có thể bắt đầu phát hành các sản phẩm tài chính xanh, và đồng thời cần phải đối thoại với các cơ quan quản lý.

Nguồn: McKinsey & Company
Nguồn: McKinsey & Company

HÀNH ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG

Tuy các ngân hàng thương mại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển các sản phẩm và dự án trái phiếu xanh, nhưng họ vẫn có cơ hội làm chủ vai trò của mình. Hiện tại, số lượng công cụ tài chính xanh và mức độ phát triển còn thấp; một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 40% các ngân hàng Việt Nam không có dự án đầu tư xanh trong danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam vẫn có cơ hội nắm giữ vai trò quyết định trên thị trường trái phiếu xanh. Yêu cầu đặt ra không chỉ là xác định rõ ràng mức độ tham vọng, mà cần thực hiện các lĩnh vực kinh doanh giúp bảo đảm nắm giữ vị trí dẫn đầu thị trường. Tùy thuộc vào mức độ tham vọng, các ngân hàng có thể đi theo 1 trong 3 cách.

Một là các ngân hàng có thể đi theo xu hướng bằng cách xây dựng năng lực vận hành và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về quy định bắt buộc. Cách tiếp cận theo hướng tham gia ở mức tối thiểu này vẫn bảo đảm tuân thủ quy định, nhưng khó có thể giành được thị trường.

Các ngân hàng có thể tham gia trên thị trường bằng cách chủ động áp dụng các tiêu chuẩn mới và thông lệ hàng đầu trong lĩnh vực rủi ro khí hậu. Các ngân hàng có thể phát triển các sản phẩm và dịch vụ cụ thể dựa trên nhu cầu tài chính xanh của khách hàng, đặt ra các mục tiêu kinh doanh quan trọng cho các sản phẩm xanh.

Cuối cùng, các ngân hàng có thể định vị dẫn đầu thị trường thay vì đi sau các đối thủ ngang hàng, và đặt mục tiêu giành thị phần lớn trong tài chính chuyển đổi và trái phiếu xanh. Điều này đòi hỏi phải tích cực phân bổ lại nguồn vốn theo các mục tiêu môi trường trên cơ sở khoa học, xác định tiềm năng các thị trường cụ thể và cơ hội kinh doanh trong các ngành trọng tâm (như phát triển năng lượng tái tạo, cơ sở sản xuất xanh, hạ tầng xe điện), cung cấp sản phẩm chuyên dụng và hỗ trợ khách hàng trong những thị trường đó.

Tài trợ vốn cho công cuộc chuyển đổi sang phát thải thuần 0 của cả hành tinh đang tạo ra cơ hội lớn cho ngân hàng ở khắp nơi trên thế giới, và Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu thế đó. Cùng với việc nhu cầu sẽ ngày một gia tăng, các ngân hàng Việt Nam có thể tham gia vào thị trường thay đổi khí hậu để giành lấy thị phần.