16:02 26/08/2011

Cơ quan chức năng “phân trần” về lợi nhuận ngân hàng

Thùy Duyên

Cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước lên tiếng trước dư luận khác nhau về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại

Theo tài liệu công bố, so sánh hai chỉ số ROE và ROA của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế cho thấy ROE ở mức trung bình (thứ 11/21) và ROA ở mức thấp nhất.
Theo tài liệu công bố, so sánh hai chỉ số ROE và ROA của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế cho thấy ROE ở mức trung bình (thứ 11/21) và ROA ở mức thấp nhất.
Cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra khuyến nghị dư luận cần có sự nhìn nhận khách quan về quy mô lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2011.

Khuyến nghị trên xuất phát từ thực tế thời gian qua có nhiều thông tin bình luận, phản hồi về tình hình lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Trong đó có những bức xúc, khi đặt lợi nhuận “lớn” của các nhà băng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đời sống của nhiều người dân và hoạt động của nhiều doanh nghiệp chật vật…

Tuy nhiên, trong tài liệu phân tích khá chi tiết mà cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước, công bố, lợi nhuận các nhà băng 6 tháng đầu năm 2011 cần có một cái nhìn “biện chứng” hơn.

Qua theo dõi số liệu về kế toán tài chính của tổ chức tín dụng do cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước thu thập được cho thấy, tình hình thu nhập 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng Việt Nam có những đặc điểm đáng chú ý.

Tính đến 30/6/2011, tổng số chênh lệch thu nhập trừ chi phí (chứ chưa phải và không phải là lợi nhuận) toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 42% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, kết quả và hiệu quả kinh doanh không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng; phần lớn các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh an toàn, có hiệu quả, vẫn còn 13,6% số lượng các tổ chức tín dụng vì nhiều lý do và nguyên nhân, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chênh lệch thu nhập trừ chi phí 6 tháng đầu năm bị âm.

Tốc độ tăng thu nhập 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng Việt Nam cao, theo cơ quan này là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, xét mối quan hệ tương quan (và có thể nói đây là mối quan hệ biện chứng, cơ bản và cùng chiều) giữa thu nhập với qui mô tài sản và vốn chủ sở hữu thì tốc độ tăng thu nhập 6 tháng đầu năm so với tốc độ tăng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu là hợp lý. Bởi lẽ tốc độ tăng tổng tài sản và tăng vốn chủ sở hữu của hệ thống các tổ chức tín dụng so với cùng kỳ năm 2010 lần lượt là 39% và 44% so với tốc độ tăng thu nhập 42%.

Phân tích sâu hơn, tốc độ tăng tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trong  6 tháng đầu năm 2011 so với 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy tỷ lệ là 37%, cũng so sánh tương tự về vốn chủ sở hữu thì tốc độ tăng là 176%. Chính vì vậy, mặc dù số tuyệt đối về thu nhập tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 nhưng chỉ số ROA (thu nhập so với tổng tài sản) và chỉ số ROE (thu nhập so với vốn chủ sở hữu), hai chỉ số quan trọng nhất đánh giá hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm 2011 ở mức chỉ số ROA = 0,77% và ROE = 8,1%, cũng tương đương với chỉ số này của 6 tháng đầu năm 2010 (lần lượt là 0,75% và 8,2%) nhưng thấp hơn so với chỉ số cả năm của những năm trước (ROA 2009 và 2010 lần lượt là 1,0% và 0,9%; ROE lần lượt là 10,4% và 10,3%).

So sánh hai chỉ số này của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế cho thấy ROE ở mức trung bình (thứ 11/21) và ROA ở mức thấp nhất, cũng có thể vì lý do này mà mặc dù tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng tăng nhưng cổ phiếu của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong thời gian qua.

Nhìn rộng hơn ra hoạt động ngân hàng các nước trong khu vực và thế giới, chỉ số ROE của các ngân hàng khu vực Đông Nam Á là từ 14% - 15% và thế giới thường ở mức 17%.

Nhóm các tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm âm chủ yếu là những ngân hàng có qui mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nhỏ, quản trị điều hành kém linh hoạt.

Như vậy, xét trên yếu tố này thì tốc độ tăng thu nhập 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng phù hợp với xu hướng tăng trưởng lớn về qui mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu.

Thứ hai, số liệu chênh lệch thu nhập trừ chi phí của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 30/6/2011 chưa phản ánh đầy đủ hết các khoản mục chi phí của tổ chức tín dụng.

Nguyên do là theo quy định hiện hành về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước thì đến ngày 15 tháng đầu quý sau các tổ chức tín dụng mới tiến hành phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho cuối quý trước. Chính vì vậy phần chi phí tại thời điểm 30/6/2011 chưa được tính đúng, tính đủ số dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng, mà chắc chắn rằng số chi phí dự phòng phải trích thêm này sẽ không nhỏ, vì theo số liệu theo dõi của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thì số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã liên tục tăng lên từ đầu năm đến nay và như vậy các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm khoản chi phí này.

Thứ hai là theo quy định, các tổ chức tín dụng còn phải tính toán điều chỉnh các khoản dự thu, dự chi, dự phòng các khoản đầu tư khác, những khoản này thực hiện trong báo cáo tài chính quý và thực hiện sau ngày 30/6.

Thứ ba, theo quy định hiện hành, các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới chỉ giới hạn trong phạm vi các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... chưa được phân loại và trích lập dự phòng.

Thứ tư, số liệu chênh lệch thu chi của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ là sơ bộ, chưa được kiểm toán độc lập xác nhận. Nếu tính đúng, tính đủ và chính xác những khoản chi này thì chênh lệch thu nhập - chi phí của các tổ chức tín dụng không phải là con số như nhiều tổ chức tín dụng đã công bố, trong đó sẽ có tổ chức tín dụng có mức chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn con số đã công bố.

Ngoài những yếu tố trên đây, đóng góp vào tăng thu nhập của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2011 còn có các yếu tố khác.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ lượng tiền cung ứng, việc huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng chủ động nâng cao hệ số sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tối đa hóa lợi nhuận đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của các cổ đông.

Các tổ chức tín dụng đã mở rộng thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm mới như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại... vừa thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu khách hàng vừa góp phần tăng thu nhập, tỷ lệ thu nhập từ thu dịch vụ của các tổ chức tín dụng trong tổng thu nhập đã ngày càng tăng (thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2011tăng 43,8% so cùng kỳ 2010).

Từ những phân tích và đánh giá như trên, chênh lệch thu nhập, chi phí 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng tăng trưởng phù hợp với quy mô tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu. Việc các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh giữ được mức độ ổn định và an toàn hiệu quả cũng là một trong nhưng điều kiện góp phần giữ ổn định cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc công bố thông tin về “lợi nhuận” ngân hàng dù với lý do và mục đích gì cũng cần phải đảm bảo tính chính xác và minh bạch, thận trọng hơn.

Như vậy, sau nhiều thông tin đa chiều về tình hình lợi nhuận các ngân hàng thương mại 6 tháng đầu năm 2011, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, phía cơ quan quản lý cũng đã lên tiếng để tạo thêm góc nhìn về vấn đề được cho là khá nhạy cảm này.