14:58 28/01/2021

Còn lỗ hổng lớn trong thuế thu nhập cá nhân và hộ kinh doanh?

TS.Võ Đình Trí (*)

Từ chuyện cô gái 9X ở Hà Nội nộp hơn 23 tỷ đồng tiền thuế do có nguồn thu từ các ứng dụng di động trên 330 tỷ đồng trong năm 2020

TS.Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global.
TS.Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global.

Chuyện một cô gái 9X ở Hà Nội mới đây nộp hơn 23 tỷ đồng tiền thuế, do có nguồn thu từ các ứng dụng di động trên 330 tỷ đồng trong năm 2020 đã thu hút dư luận những ngày qua. Rõ ràng, đây không phải là thuế thu nhập cá nhân vì thuế suất trung bình chỉ là 7%. Còn nếu xem trường hợp này là áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể thì đây là lỗ hổng rất lớn trong thuế thu nhập cá nhân và hình thức hộ kinh doanh.

Sở dĩ khoản thuế 23 tỷ đồng trên thu nhập 330 tỷ đồng không phải là thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp cá nhân thông thường, vì thu nhập từ trên 960 triệu đồng/năm đã phải đóng thuế suất 35%. Nếu có tính các khoản giảm trừ tối đa, thì cô gái này phải nộp thuế 35% cho gần 330 tỷ đồng, tức hơn 110 tỷ đồng.

CHỌN MỨC THUẾ SUẤT THẤP

Đó là lý do tại sao những người có thu nhập rất cao phải chuyển sang hình thức doanh nghiệp (DN) để tối ưu thuế. Ở các quốc gia có hệ thống thuế thu nhập cá nhân chặt chẽ, những người có thu nhập cao phải tìm cách tối ưu thuế, và đó là một mảng thị trường lớn của các dịch vụ tư vấn thuế.

Trở lại câu chuyện cô gái 9X, với thuế suất trung bình tính ra là 7%, rất nhiều khả năng cô gái này đã chọn (hoặc được tư vấn) hình thức thuế khoán cho hộ kinh doanh. Theo đó, cô đăng ký hộ kinh doanh với danh mục ngành nghề là dịch vụ, để từ đó đóng 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Với lựa chọn này, rõ ràng số thuế lẽ ra phải đóng của cô gái này đã giảm đi rất nhiều, điều đó cũng có nghĩa là ngân sách nhà nước đã thất thu một khoản lớn tương tự. Điều này cho thấy, một sự bất bình đẳng rất lớn giữa những cá nhân chọn hình thức hộ kinh doanh để có thuế suất thuế thu nhập cá nhân thấp và những cá nhân chịu thuế thu nhập cá nhân thông thường, một nhà quản lý cấp cao có thu nhập chính từ tiền lương chẳng hạn.

Ngoài ra, nếu giả thuyết trường hợp cô gái này làm việc trong một nhóm có từ 10 người trở lên (vì hộ kinh doanh cho phép tối đa 9 lao động) thì sẽ có khả năng trốn thuế thu nhập cá nhân, vì thu nhập sau khi trừ thuế khoán, người này có thể chuyển tiền mặt cho các cộng sự khác và các cộng sự này mua tài sản với tiền mặt nhận được. Thực tế, theo chia sẻ của những người trong lĩnh vực phát triển ứng dụng di động, họ phải làm việc theo nhóm, có rất nhiều thành viên và gộp chung lại một tài khoản để tăng hiệu quả.

Sự lúng túng còn ở cơ quan thuế khi trước đây, đã có người chủ động đến khai và nộp thuế khi có nguồn thu nhập lớn từ các hoạt động trực tuyến nhưng cơ quan thuế không biết hướng dẫn thực hiện như thế nào. Điều này không chỉ làm cho người muốn đóng thuế bất an, có thể vi phạm pháp luật, mà nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Lỗ hổng ở đây chính là thuế thu nhập cá nhân lồng ghép vào trong hình thức hộ kinh doanh theo phương thức khoán. Vậy làm thế nào để vá lỗ hổng này?

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã bỏ chương quy định về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, lại có dự định ban hành một luật riêng và trong lúc chờ đợi, nếu cần thiết thì Chính phủ ban hành hướng dẫn. Tuy nhiên, mô hình hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng trong tương lai.

VÁ LỖ HỔNG THUẾ

Kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới, dần dần có đầy đủ các yếu tố của một nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, các chủ thể kinh doanh hàng hóa dịch vụ chỉ nên có một loại hình duy nhất là DN và bên trong được chia nhỏ theo các tiêu chí cụ thể về quyền/trách nhiệm đối với tài sản, trách nhiệm trong các chế độ báo cáo với cơ quan quản lý và công chúng. Do đó, có lẽ nên bãi bỏ hình thức hộ kinh doanh, bắt buộc chuyển từ hộ kinh doanh sang một loại hình DN phù hợp với nhu cầu và mục đích của chủ DN.

Lấy ví dụ như ở Pháp, cá nhân nếu có doanh thu ổn định từ một hoạt động nào đó không phải tiền lương thì bắt buộc phải đăng ký hình thức DN, đơn giản nhất là Autoentrepreneur (DN cá nhân), với doanh thu bị quy định không được vượt 72.500 Euro/năm đối với dịch vụ (doanh thu dưới 34.400 Euro không phải chịu VAT), 176.200 Euro/năm đối với thương mại (doanh thu dưới 85.800 Euro không phải chịu VAT).

Như vậy, hộ kinh doanh ở Việt Nam có doanh thu dưới một mức nào đó, chẳng hạn 200 triệu đồng một năm, có thể được chọn loại hình DN tương tự như Autoentrepreneur ở Pháp. Khi đó, chủ DN hay người lao động sẽ có chế độ bảo hiểm xã hội, lựa chọn hình thức thuế thu nhập DN hay thuế thu nhập cá nhân là do cách tối ưu của mỗi trường hợp khác nhau. Vì nếu theo quy định giới hạn số lao động của hộ kinh doanh thì rất nhiều khả năng có lao động không khai báo, người lao động không được bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng của mình.

Nếu là hình thức thuế thu nhập DN, thì DN có lợi thuế là khấu trừ chi phí đầu vào, hoàn thuế VAT đầu vào, chủ DN chỉ chịu thuế thu nhập khi có chia cổ tức. Còn nếu chọn thuế thu nhập cá nhân thì sẽ có lợi nếu có khung thuế suất thấp.

Các ứng dụng di động là không có giới hạn về không gian địa lý, thời gian, nên thị trường rộng mở cho hàng tỷ người. Nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này đang phát triển nhanh, tạo nguồn thu hút ngoại tệ không hề nhỏ. Mặc dù về chuyên môn, các nhóm này rất giỏi nhưng những rủi ro về quản lý tài chính, báo cáo thuế là những điểm mà các nhóm này cần lưu ý. Một ví dụ đơn giản là nếu chọn hình thức thuế khoán thì các nhóm sẽ không hạch toán được chi phí, mà để có một doanh thu lớn thì chi phí sẽ không hề nhỏ. Đã có rất nhiều trường hợp thấy có doanh thu nhưng không thấy tiền lời ở đâu vì không tính đủ các chi phí, người bên ngoài hay cơ quan thuế chỉ thấy bề nổi là doanh thu.

Như vậy, việc bỏ đi hình thức hộ kinh doanh, chuyển sang DN là một chính sách cần thực hiện sớm để tạo sự hiệu quả trong việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân. Quan trọng hơn, số lượng lao động trong hộ kinh doanh khi chuyển qua DN sẽ tạo một số đông đủ lớn để thực hiện được quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần giảm dần tỉ trọng của khu vực phi chính thức trong nền kinh tế.

Đối với các nhóm phát triển ứng dụng di động hiện nay, khi có doanh thu đáng kể nên chuyển sang hình thức DN phù hợp, và cần có sự tư vấn chuyên nghiệp về thuế, quản lý tài chính.

(*) Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global

Đánh thuế một cách công bằng

Theo tin từ Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội), năm 2020, đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng. Đáng chú ý là trường hợp cô gái sinh năm 1992 tại Cầu Giấy có thu nhập hơn 330 tỷ đồng nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store, đã nộp thuế hơn 23 tỷ đồng và một cá nhân 30 tuổi có thu nhập 260 tỷ đồng/năm cũng nộp thuế hơn 18 tỷ đồng.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT), tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu. Điều này đang đặt ra những quan ngại về các chính sách thuế hiện nay.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mức thuế suất áp dụng trong trường hợp này là mức thuế suất cho các hộ kinh doanh, nghĩa là mức thuế sẽ được hỗ trợ nhiều hơn so với loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, thuế GTGT của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế TNCN từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu.

Câu hỏi đặt ra là nếu với thu nhập chịu thuế là 330 tỷ đồng, mức thuế suất áp dụng như trên liệu có hợp lý và đây có phải là "lỗ hổng" được nhiều người tận dụng để tránh thuế, né thuế?

Ông Hiếu cho rằng, đây không phải là lỗ hổng vì mục đích ban hành chính sách thuế ưu đãi cho hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ khu vực vốn chiếm hơn 5 triệu hộ kinh doanh ngày càng lớn mạnh. "Song ở đây lại đặt ra câu chuyện về công bằng thuế, công bằng cho hộ kinh doanh hay cho doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

Theo lẽ đó, vị chuyên gia cho rằng, phải điều chỉnh lại cách đánh thuế theo quy mô (doanh thu) thay vì theo hình thức kinh doanh như hiện nay (nhiều hộ kinh doanh có doanh thu cao hơn doanh nghiệp siêu nhỏ); tránh trường hợp áp mức thuế cao cho các hộ kinh doanh vì những trường hợp có doanh thu lớn chiếm tỷ lệ không nhiều. "Đặc biệt, tránh trường hợp "thúc" hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp một cách cơ học để thu thuế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19", ông Hiếu nhấn mạnh.

Anh Nhi